Thảo luận về các dự thảo Nghị quyết, dự án luật
(BĐ) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 24.10, các ĐBQH đơn vị tỉnh tham gia thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn thống nhất cao đối với thời hiệu xử lý kỷ luật CBCCVC, cụ thể là hình thức khiển trách từ 2 năm lên 5 năm, hình thức cảnh cáo từ 5 năm lên 10 năm để thống nhất với thời hiệu xử lý kỷ luật của Đảng đối với CBCCVC, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong thời hiệu xử lý kỷ luật. ĐB Toàn đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, cơ quan hữu quan tiếp tục có những nghiên cứu để rà soát lại các quy định về hình thức xử lý kỷ luật đối với CBCCVC để đảm bảo sự thống nhất với các hình thức xử lý kỷ luật về mặt đảng đối với đảng viên là CBCCVC bị xử lý kỷ luật về mặt chính quyền.
Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn thảo luận tại tổ về các dự thảo, tờ trình chiều 24.10. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Nếu kịp, thì nên điều chỉnh luôn trong dự thảo Nghị quyết này. Trường hợp chưa chuẩn bị kịp thì có thể ban hành một hướng dẫn để thực hiện thống nhất.
Đối với dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), ĐB Toàn đề xuất bổ sung thêm hình thức họp trực tuyến kết hợp với trực tiếp; giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong việc triệu tập các kỳ họp với hình thức phù hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tổng kết, đánh giá việc tổ chức họp trực tuyến kết hợp với trực tiếp trong 2 năm vừa qua trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để phát huy những hiệu quả, khắc phục những mặt chưa hoàn thiện.
Trước thực trạng rất nhiều nội dung đã thảo luận, tập hợp tại phiên thảo luận tổ lại được đại biểu tham gia một lần nữa tại phiên thảo luận nghị trường, ĐB Toàn đề nghị Quốc hội cần có quy định để kết nối hai phiên thảo luận với nhau. Thảo luận tại tổ là nền tảng, là sự chuẩn bị cho phiên thảo luận tại hội trường để phiên thảo luận tại hội trường tập hợp được các ý kiến sâu hơn, tránh lan man, trùng lặp. Ngoài nội dung chất vấn tại nghị trường, cần tăng cường và mở rộng thêm hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tại các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội…
Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy đề cập đến các hoạt động mới liên quan đến tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo hiện chưa có khung pháp lý điều chỉnh và quản lý. Để dự thảo luật bao quát các hoạt động mới phát sinh, ĐB đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung, dẫn chiếu các quy định của các nước đã công nhận đối với loại hình này. ĐB đề nghị cần xem xét, bổ sung trong giải thích từ ngữ đối với từ ngữ khó hiểu, còn chung chung như giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch có giá trị lớn bất thường. Đối với khách hàng cá nhân có một quốc tịch nước ngoài, cần bổ sung các quy định liên quan đến những trường hợp có mối quan hệ gần, thân thiết đối với các cá nhân người nước ngoài, tránh trường hợp rửa tiền thông qua nhờ đứng tên hộ tài sản. Các quy định về dấu hiệu đáng ngờ còn mang tính định tính, rất khó để xác định, cần nghiên cứu để quy định có tính khả thi…
ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Cũng liên quan đến dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), ĐB Đồng Ngọc Ba cho rằng cần có nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể mở rộng những đối tượng giao dịch phải thông qua ngân hàng. Cần có cơ chế xử lý, sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu hiện có như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để nắm các thông tin, xác định giao dịch đáng ngờ, dấu hiệu rửa tiền; bên cạnh đó, cần có cơ chế bảo vệ bí mật cá nhân…
ĐB Đồng Ngọc Ba tham gia thảo luận tại tổ vào chiều 24.10. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
NGUYỄN MUỘI