Bình Định đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính
(BĐ) - Đây là đánh giá của Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy làm Trưởng đoàn, về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính của tỉnh Bình Định, diễn ra vào sáng 25.10.
Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh.
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ kiểm tra việc cải cách thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: N. HÂN
Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, công tác cải cách hành chính thời gian qua đã được các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được đẩy mạnh đã phát huy hiệu quả tích cực, bảo đảm thông tin thông suốt, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian giải quyết (giảm từ 1 đến 20 ngày) đối với 170 thủ tục hành chính của 18 sở, ngành. Đáng chú ý, trên Cổng Dịch vụ công tỉnh có 2.114 dịch vụ công trực tuyến, trong đó cấp tỉnh có 1.560 dịch vụ, cấp huyện có 383 dịch vụ, cấp xã 171 dịch vụ. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 100% Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã đã triển khai áp dụng biên lai, hóa đơn điện tử thay thế cho biên lai, hóa đơn giấy. Từ ngày 1.1.2022 đến 14.9.2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận 407.607 hồ sơ; đã giải quyết đúng và trước hạn 397.497 hồ sơ (đạt 99,7%).
Trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, qua sắp xếp so với thời điểm 2015 đã giảm 58 tổ chức (18 phòng chuyên môn thuộc sở, 3 chi cục trực thuộc sở, 37 phòng thuộc chi cục; các sở, ngành thuộc tỉnh giảm 87 phó trưởng phòng. Đến nay, toàn tỉnh có 733 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 140 đơn vị sự nghiệp công lập.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị Chính phủ xem xét, sớm ban hành các văn bản quy định về quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ. Các Bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công do nhà nước quản lý.
Kiến nghị Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn để đảm bảo thực hiện thống nhất việc áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong DN, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước. Bộ Nội vụ xem xét, phân cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên được quyết định số lượng vị trí việc làm mà các vị trí này sử dụng nguồn thu dịch vụ để chi trả.
Các thành viên trong Đoàn đã trao đổi, làm rõ thêm những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh; đề xuất, gợi mở các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác này trong thời gian đến.
Đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N. HÂN
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn kiểm tra Lê Sỹ Bảy ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thể chế; nâng cao các chỉ số cải cách hành chính; tổ chức bộ máy hành chính; chế độ công vụ, công chức, tài chính công; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm hơn trong công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, kiểm soát chặt chẽ quy trình giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kiểm tra, giám sát cấp dưới trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, nhất là trong việc giải quyết công việc của người dân, tổ chức, DN.
NGUYỄN HÂN