“Cú huých” nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xem là hướng đi cần thiết nhằm nâng cao đời sống của người dân, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi.
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nội dung số 3 thuộc tiểu Dự án 2, Dự án Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN tỉnh Bình Định năm 2022. Phóng viên Báo Bình Định phỏng vấn ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh về mục tiêu, giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này.
● Trước hết, xin ông cho biết mục tiêu đặt ra đối với kế hoạch vừa được UBND tỉnh ban hành về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng ĐBDTTS&MN?
- Có thể khẳng định, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình, chính sách dân tộc tiếp tục được triển khai thực hiện tại các vùng ĐBDTTS&MN có hiệu quả, như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chính sách định canh, định cư, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, chuyển giao tiến bộ KHKT… giúp người dân ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, nhìn chung đời sống, thu nhập của bà con vùng ĐBDTTS&MN còn thấp. Do vậy, kế hoạch đặt ra mục tiêu thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng ĐBDTTS&MN trong tỉnh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong ĐBDTTS dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các DTTS trong tỉnh.
● Theo kế hoạch UBND tỉnh ban hành, những đối tượng nào sẽ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thưa ông?
- Đối tượng được hỗ trợ gồm các DN, HTX đang hoạt động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng ĐBDTTS&MN có kế hoạch mở rộng kinh doanh, sản xuất. Các DN, HTX mới thành lập có các hoạt động và sử dụng lao động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng ĐBDTTS&MN. Các trường đại học trên địa bàn tỉnh có đông sinh viên DTTS theo học và có các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng ĐBDTTS&MN. Hộ gia đình, cá nhân người DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại các xã, thôn vùng ĐBDTTS&MN.
Về nguyên tắc thực hiện, mỗi xã đặc biệt khó khăn có tối thiểu 1 mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp được hỗ trợ. Mô hình được hỗ trợ phải tạo việc làm, có hợp đồng thu mua sản phẩm cho ít nhất 15 hộ gia đình thuộc địa bàn xã khu vực III. Ưu tiên hỗ trợ các mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc có từ 50% trở lên số lao động là phụ nữ tham gia mô hình; các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị được hỗ trợ bằng nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN.
Các DN, HTX hoạt động và sử dụng lao động trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng ĐBDTTS&MN sẽ được hỗ trợ khởi nghiệp.
- Trong ảnh: Người dân vùng ĐBDTTS xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Thạnh) thu hoạch bí đỏ. Ảnh: L.V
Mỗi mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp được lựa chọn sẽ được nhận hỗ trợ theo giai đoạn không quá 3 năm dưới các hình thức: Hỗ trợ một phần chi phí thực hiện mô hình; hỗ trợ cung cấp thông tin, hỗ trợ kết nối cá nhân/tổ chức chủ trì mô hình được tham gia các hoạt động của hệ sinh thái thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vùng ĐBDTTS&MN; lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển bền vững và mở rộng, phát huy hiệu quả đầu tư.
● Để triển khai việc thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng ĐBDTTS&MN có hiệu quả, nhiệm vụ và giải pháp chính nào sẽ được thực hiện thời gian tới, thưa ông?
- Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng ĐBDTTS&MN, quan trọng là phải tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp ở vùng ĐBDTTS&MN. Hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất; hợp đồng đặt hàng các cơ sở, viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ; thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Đồng thời, vận động hội viên phụ nữ, thanh niên vùng ĐBDTTS&MN và sinh viên đang học các trường đại học trong tỉnh tích cực tham gia xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; mô hình kinh tế hợp tác gắn với liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; mô hình tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ…
Cùng với đó là tổ chức biểu dương thanh niên, sinh viên, người có uy tín tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công, nhằm tạo động lực, niềm tin, hoài bão, khát vọng cho thanh niên, sinh viên, người có uy tín tiêu biểu trên lĩnh vực khởi nghiệp của mình. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư, hội chợ, triển khai thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng ĐBDTTS&MN. Triển khai các khóa tập huấn cho người dân tộc thiểu số, DN, HTX tại khu vực đặc biệt khó khăn về khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh…
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)