Cô Dung & những lớp học hạnh phúc
Tận tụy với nghề, tận tâm với học trò, 36 năm gắn bó nghề giáo, cô Nguyễn Thị Lệ Dung - Trường Tiểu học Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) đưa nhiều lứa học trò đi qua những lớp học hạnh phúc, tạo dựng niềm tin cho học sinh, phụ huynh, giữ vững vị thế của người giáo viên trên bục giảng.
Cô Dung là 1 trong 68 giáo viên tiêu biểu toàn quốc được Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 (do Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long tổ chức) vinh danh. Sự kiện này dự kiến diễn ra dịp kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11.2022.
Cô Nguyễn Thị Lệ Dung. Ảnh: M.H
Lớp học rộn tiếng cười
Tiết học Đạo đức với nội dung tiết kiệm tiền của lớp 4B cô Dung chủ nhiệm chiều 24.10 rộn tiếng cười. Lớp có 24 học sinh gồm 12 em dân tộc Bana và Mường, còn lại là học sinh người Kinh. Chủ đề bài học về tiết kiệm tiền của với việc phân biệt những hành vi tiết kiệm và hành vi lãng phí. Cô Dung chia lớp thành các nhóm đọc bài học trong sách giáo khoa trong 1 phút, thảo luận nhóm. Sau đó, chọn ra 2 nhóm (5 học sinh/nhóm) để thực hiện bài tập liệt kê về hành vi tiết kiệm và lãng phí đính lên bảng, thuyết trình trước lớp. Bài học nhẹ nhàng song không kém phần sôi nổi nhờ phần liên hệ thực tế. Và kết thúc tiết học cô Dung làm nhạc trưởng cho cả lớp cùng chơi trò “hát to, hát nhỏ…”.
“Thích nhất là lúc trả lời đúng câu hỏi của cô. Còn được chơi trò chơi. Đi học vui hơn ở nhà, em rất thích”, em Đinh Tiến Khoa hào hứng nói.
Năm ngoái, chủ nhiệm lớp ở điểm trường khó khăn của làng Tà Điệt với 100% học sinh dân tộc Bana, ban đầu cô Dung áp dụng kiểu dạy học sinh trên điểm trường chính. Ngày nào cũng ra sức giảng, nhưng được một thời gian thì xuất hiện nguy cơ học sinh bỏ học. Tìm hiểu, cô nhận ra không thể áp dụng kiểu dạy cứng nhắc, phải tìm cách cho các em thích đến trường trước đã. Tận dụng lợi thế biết dân vũ, cô Dung tổ chức tập nhảy, hát, múa cho học sinh. Ban đầu còn ngại, sau các em thích, vậy là những em nghỉ học cũng hào hứng trở lại lớp.
Chơi mà học - những lớp học sôi động của cô Dung không còn lạ ở Trường Tiểu học Vĩnh Hảo. Phó Hiệu trưởng nhà trường Lê Đình Tấn cho hay, cô Dung là một trong những giáo viên tiêu biểu của trường, với nhiều sáng kiến để học trò phát triển năng lực học tập tích cực, đặc biệt khi phần lớn học sinh của trường là đồng bào dân tộc thiểu số còn rụt rè, vướng rào cản về Tiếng Việt.
Tiết học Đạo đức sôi động của lớp 4B cô Dung chủ nhiệm. Ảnh: M.H
Học sinh điểm trường chính có nhiều dân tộc cùng chung lớp. Trong đó, điều kiện gia đình của nhiều em gặp khó khăn nên việc học ít nhiều bị ảnh hưởng, năng lực tiếp nhận kiến thức cũng không đồng đều, độ vênh tương đối lớn. Cô Dung chia lớp học thành từng nhóm học sinh có cả người Kinh và người dân tộc thiểu số để cùng học tập. Học sinh người dân tộc thiểu số yếu về đọc - viết Tiếng Việt, nên giờ học chính tả lớp được chia thành 2 nhóm: Nhóm đọc tốt, viết tốt thì gấp hết sách vở lại viết chính tả như bình thường; còn những em yếu thì hỗ trợ dạy thêm Tiếng Việt cho các em tiến bộ dần.
“Tôi quan điểm dạy cho học trò tiến bộ so với bản thân, để các em thấy vui, hạnh phúc khi đến trường, chứ không phải dạy để có tiết dạy tốt cho giáo viên”, cô Dung chia sẻ.
Dành trọn tình thương cho học trò
Cô Dung là giáo viên “cơ động” của huyện Vĩnh Thạnh những năm còn phong trào thi học sinh giỏi cấp tiểu học. “Những năm trước, Trường Tiểu học Vĩnh Hảo là một trong những đơn vị đạt thành tích tốt nhất của huyện trong “dạy tốt, học tốt”, có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Thành công này có sự đóng góp rất lớn của cô Dung”, thầy Tấn khẳng định.
Cô Dung từ TX An Nhơn lên Vĩnh Thạnh gắn bó với sự nghiệp “gieo chữ” từ năm 1986. Đến năm 1993, cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Năm 2002, cô được bổ nhiệm phó hiệu trưởng nhà trường, đến năm 2009 thì lên làm hiệu trưởng. Vì một vài lý do lịch sử để lại, đến năm 2010 cô trở lại làm giáo viên.
Là giáo viên giỏi, cô Dung thường được Ban Giám hiệu tin tưởng giao làm chủ nhiệm các lớp cuối cấp, “chuyên trị” lớp có học sinh “cá biệt”. Để làm tròn vai của một giáo viên chủ nhiệm lớp đạt kết quả như mong muốn thì vô cùng vất vả, phải thực sự thương yêu học sinh như con, như cháu của mình, biết sẻ chia, gần gũi, luôn động viên, vỗ về và tìm cách hướng các em đến với ước mơ, tạo cơ hội phấn đấu cho từng em, nhất là các em chậm tiếp thu, có hoàn cảnh khó khăn…
Cô Dung còn nhớ như in cậu học trò lì lợm đến bất trị của nhiều năm trước. Sau này tìm hiểu cô được biết em chỉ có mẹ, không có ba. Động viên, rồi hỗ trợ thêm cho em việc học, cậu học trò cũng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp thành công. Em ấy cũng là học sinh khiến cô Dung “khóc” vì tức mà cũng “khóc” vì hạnh phúc. Hay trường hợp “cá biệt” khác là học sinh nữ học rất giỏi, bị xâm hại từ năm 6 tuổi. Sau khi tìm hiểu, biết chuyện, cô Dung tỉ tê tâm sự và đưa ra nhiều lời khuyên để em trở lại học tập.
“Bắt đầu từ niềm yêu thích, đam mê cùng với cái tâm thì khó khăn nào cũng vượt qua được. 36 năm trong nghề, thành quả ngọt ngào nhất mà tôi có được là sự trưởng thành của nhiều thế hệ học trò. Đó chính là động lực để tôi nuôi dưỡng đam mê và cái tâm với nghề, truyền đạt tri thức và kinh nghiệm sống cho các em”, cô Dung trải lòng.
MAI HOÀNG