Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần đầu thảo luận về an ninh lương thực
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nguy cơ cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, lần đầu tiên vấn đề an ninh lương thực và hiện đại hóa nông nghiệp được ưu tiên trong chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Lao động và việc làm ASEAN lần thứ 27 diễn ra tại Manila, Philippines từ ngày 25-29.10.
Bộ trưởng Lao động và Việc làm Philippines Bienvenido Laguesma cho biết Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 27 và các hội nghị liên quan có sự tham dự của Bộ trưởng Lao động, quan chức cấp cao từ 10 quốc gia thành viên ASEAN. Ngoài ra, trong khuôn khổ tuần họp cũng diễn ra Hội nghị ASEAN+3 với sự tham dự của các quan chức trong Bộ Lao động Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 27 diễn ra tại Philippines. Nguồn: Reuters
Cuộc họp năm nay đánh dấu sự quay trở lại hình thức trực tiếp và tập trung vào chủ đề vượt qua đại dịch, thúc đẩy hơn nữa sự phục hồi và tăng trưởng toàn diện, bền vững và thúc đẩy số hóa cho người lao động. Một trong những nội dung khác là xem xét tiến độ của các chương trình khu vực về phát triển kỹ năng, số hóa, biến đổi khí hậu và việc làm xanh, sự thay đổi của thế giới việc làm, di cư và bảo trợ xã hội.
Các cuộc họp cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp ứng phó hiệu quả hơn trong khu vực đối với tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, giá lương thực tăng và lạm phát, đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với phúc lợi của người lao động trong khu vực.
Theo Bộ trưởng Lao động Philippines, đây là lần đầu tiên hiện đại hóa nông nghiệp và an ninh lương thực nằm trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Lao động và việc làm ASEAN.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đang tác động đến nhiều quốc gia ASEAN, các Bộ trưởng Lao động dự kiến đưa ra ưu tiên hành động của khu vực về nâng cao kỹ năng làm việc, nâng cao tiêu chuẩn năng lực và trình độ chuyên môn, hỗ trợ giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (TVET), giúp tất cả mọi người đều có thể tiếp cận công nghệ thông tin và số hóa, đồng thời hiện đại hóa nông nghiệp để nâng cao năng suất nông nghiệp, tăng cường an ninh lương thực và tạo nhiều việc làm mới.
Theo Phạm Hà (VOV)