THÚC ĐẨY THỊ TRƯỜNG KH&CN TẠI BÌNH ĐỊNH PHÁT TRIỂN:
Tăng cường kết nối, đẩy mạnh chuyển giao
Thị trường KH&CN là nơi diễn ra các giao dịch mua bán sản phẩm KH&CN, như: Bản quyền, bí quyết, sáng kiến và các dịch vụ liên quan đến hoạt động KH&CN. Tuy nhiên, ở tỉnh Bình Định, thị trường này phát triển vẫn còn chậm.
Theo Sở KH&CN, đến nay, toàn tỉnh có 14 DN được chứng nhận DN KH&CN, chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ thông tin. Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường KH&CN trong tỉnh phát triển, Sở KH&CN phối hợp với các đơn vị liên quan đã xây dựng sàn giao dịch thiết bị công nghệ, giới thiệu sản phẩm KH&CN; tiến hành xây dựng sàn giao dịch điện tử trực tuyến các thiết bị công nghệ và sản phẩm KH&CN (Techmart online). Đồng thời, phát triển, cập nhật và quảng bá sàn giao dịch công nghệ Bình Định, như: Thiết kế banner động, phát triển giao diện mobile; quản trị và đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu về ứng dụng và phát triển công nghệ.
Công tác hướng dẫn giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước cần được đẩy mạnh. - Trong ảnh: Một mô hình KH&CN do sinh viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Trường ĐH Quy Nhơn thực hiện. Ảnh: TRỌNG LỢI
Bên cạnh đó, Sở còn hợp tác với Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP Hồ Chí Minh về chia sẻ thông tin công nghệ/thiết bị cung - cầu phù hợp với nhu cầu thực tế tại tỉnh. Ngoài ra, cuối tháng 3.2022, tổ chức trung gian của thị trường KH&CN - Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN Bình Định, cũng được hình thành. Đồng thời, tỉnh đã thu hút được một số DN lớn đầu tư vào Khu đô thị Khoa học Quy Hòa và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ…
Tuy vậy, ông Huỳnh Xuân Trường, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN) phân tích, cũng như tất cả những ngành hàng, thị trường khác, thị trường KH&CN cũng phụ thuộc vào mức độ phát triển KT-XH. Ở nước ta nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, thị trường KH&CN còn chậm phát triển là do có một thời gian khá dài, việc đánh giá KH&CN như một dạng hàng hóa còn nhiều điểm bất cập. Việc tổ chức vận hành, kết nối giữa đào tạo - nghiên cứu - ứng dụng với sản xuất - kinh doanh còn chưa thực sự gắn kết chặt chẽ. Toàn tỉnh mới có 1 tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, còn DN KH&CN thì chưa phát triển cả về quy mô và số lượng. Hoạt động kết nối cung cầu công nghệ chưa được thường xuyên, liên tục, công nghệ trong DN còn lạc hậu, không đáp ứng với yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng.
Công ty CP Gạch Tuynen Bình Định (huyện Tuy Phước) được công nhận DN KH&CN vào năm 2020, tuy nhiên, theo ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty, việc trao đổi, mua bán sản phẩm của đơn vị chủ yếu vận dụng theo kiểu truyền thống (mua bán trực tiếp) chứ chưa thực hiện tại sàn giao dịch công nghệ vốn được xem là tổ chức quan trọng trong hệ thống và là nền tảng cho hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá khoa học, định giá công nghệ.
Bên cạnh những trở ngại trên, cần phải thừa nhận rằng, khả năng tiếp cận với dịch vụ, công nghệ của DN có quy mô vừa và nhỏ - vốn đang chiếm tỷ lệ chủ yếu ở Bình Định - cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn đầu tư, trình độ của người lao động…
Để tháo gỡ những hạn chế trong phát triển thị trường KH&CN, ông Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tập trung đầu tư các dự án, chương trình nhằm thúc đẩy nguồn cung sản phẩm KH&CN do DN, trường đại học, viện nghiên cứu tạo ra. Thực hiện có hiệu quả việc giao quyền kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho đơn vị có khả năng thương mại hóa để hình thành thị trường KH&CN. Tăng cường, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước để thúc đẩy thương mại hóa, đưa công nghệ và sản phẩm công nghệ vào thực tiễn. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách phát triển KH&CN. Sớm ban hành hướng dẫn việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống. Tăng cường hỗ trợ kết nối các viện, trường, các tổ chức KH&CN với các DN trong tỉnh trong việc tìm kiếm công nghệ, chuyển giao công nghệ…
TRỌNG LỢI