Gỡ khó để phát triển giáo dục mầm non
Sau 2 năm triển khai, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non đã góp phần tăng tỷ lệ trẻ đến trường, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện nghị định này vẫn còn không ít khó khăn.
Đến nay tỉnh Bình Định có 434 cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), gồm 219 trường mầm non, mẫu giáo và 215 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập, tăng 3 trường mầm non tư thục và giảm 1 nhóm lớp tư thục so với năm học trước. Xã hội hóa GDMN được quan tâm, có 48 trường mầm non tư thục, 2 trường mầm non dân lập và 215 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập.
Trẻ dưới 3 tuổi chưa được hỗ trợ tiền ăn
Trong 9 chính sách quy định tại Nghị định 105/NĐ-CP, tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách sử dụng ngân sách Trung ương hỗ trợ. Nhờ đó cơ sở vật chất tại các cơ sở GDMN được cải thiện đáng kể. Điều kiện cho trẻ đến trường, đặc biệt trẻ vùng dân tộc thiểu số, vùng KT-XH đặc biệt khó khăn ngày càng tốt hơn.
Riêng năm 2021, hơn 27 tỷ đồng đã được hỗ trợ cho trẻ và giáo viên; trong đó phần hỗ trợ tiền ăn trưa cho 17.931 trẻ là hơn 22,7 tỷ đồng; hỗ trợ tiền nấu ăn cho trẻ tại các cơ sở GDMN ở xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn hơn 2 tỷ đồng; hỗ trợ cho giáo viên gần 2,3 tỷ đồng. Năm nay, kinh phí dự kiến hỗ trợ thực hiện chính sách hơn 26,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 2 năm thực hiện Nghị định 105/NĐ-CP, vẫn còn một số trẻ mầm non, mẫu giáo và giáo viên chưa được hưởng chính sách như trẻ nhà trẻ, giáo viên dạy lớp ghép ở các địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, giáo viên dạy tăng cường Tiếng Việt...
Trường Mẫu giáo Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh) có 218 trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi tại 10 điểm trường; trong số này 45 trẻ dân tộc Bana ở làng M2, M3 học tăng cường Tiếng Việt. Phó Hiệu trưởng nhà trường Bùi Thị Lan Hương cho hay, theo Nghị định 105/NĐ-CP, trẻ được hỗ trợ tiền ăn 160 nghìn đồng/ trẻ/tháng trong 9 tháng thực học năm học. Riêng giáo viên từ tháng 6.2021 đến nay chỉ còn 3 cô dạy điểm trường làng M2, M3 được hỗ trợ tiền dạy tăng cường Tiếng Việt là 450 nghìn đồng/người/tháng, 7 thôn còn lại không còn được hỗ trợ.
Nghị định 105/NĐ-CP hỗ trợ tiền ăn trưa giúp trẻ miền núi, vùng khó khăn được chăm sóc tốt hơn. Ảnh: M.H
Theo cô Luyện Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạnh), trường có 142 trẻ chia 6 nhóm/ lớp, gồm: 1 nhóm trẻ 13 - 24 tháng tuổi; 1 nhóm trẻ 25 - 36 tháng tuổi và 4 lớp mẫu giáo, đều học bán trú. Nhờ Nghị định 105/NĐ-CP, việc thu hút trẻ đến trường thuận lợi hơn, trong đó trẻ 4 - 5 tuổi ra lớp đạt 100%, còn trẻ các độ tuổi nhỏ hơn đạt 97% - 98%. “Tuy nhiên, Nhà nước chỉ hỗ trợ tiền ăn cho trẻ 3 - 5 tuổi (160 nghìn đồng/trẻ/tháng), 2 lớp nhà trẻ dưới 3 tuổi không được hỗ trợ dù gia đình các em cũng rất khó khăn, chủ yếu thuộc diện hộ nghèo. Về phía giáo viên, dù vẫn phải dạy tăng cường Tiếng Việt nhưng cũng không được hỗ trợ 450 nghìn đồng/cô/ tháng do chính sách chỉ hỗ trợ cho giáo viên… lớp ghép”, cô Phương chia sẻ.
Huyện miền núi Vĩnh Thạnh có 9 trường mầm non, mẫu giáo công lập, 100% trường dạy tăng cường Tiếng Việt cho trẻ; có khoảng 1.200 - 1.600 trẻ mẫu giáo tùy năm học được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa; 31 - 34 giáo viên dạy tăng cường Tiếng Việt ở lớp ghép được hỗ trợ. “Cần thiết tiếp tục hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và mở rộng thêm trẻ nhà trẻ để vận động trẻ ra lớp đạt 100%”, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bùi Xuân Ngọc cho hay.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Chấn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh kiến nghị mở rộng thêm đối tượng giáo viên dạy lớp ghép hoặc lớp tăng cường Tiếng Việt tại điểm trường chính cũng được hỗ trợ hằng tháng như giáo viên ở các điểm lẻ.
Cần thêm chính sách hỗ trợ trẻ em là con công nhân
Cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Nghị định 105/NĐ-CP cũng đặt vấn đề ban hành các chính sách hỗ trợ từ địa phương. Đến nay, tỉnh Bình Định đã ban hành các nghị quyết về thực hiện mức thu học phí cho GDMN, giáo dục phổ thông từ năm học 2022 - 2023 và thực hiện một số dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Liêm xác nhận, đến nay tỉnh Bình Định chưa có nhiều chính sách riêng để phát triển GDMN.
Tỉnh cũng chưa ban hành nghị quyết quy định chính sách đầu tư, ưu tiên phát triển GDMN, chính sách đối với trẻ mầm non, giáo viên mầm non tại cơ sở dân lập, tư thục liên quan đến khu công nghiệp. Việc quy hoạch các khu công nghiệp chưa quan tâm dành quỹ đất xây dựng cơ sở GDMN; các DN cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở GDMN đáp ứng nhu cầu bức thiết của người lao động. Chính sách trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp và chính sách đối với giáo viên mầm non tại cơ sở GDMN tư thục địa bàn có khu công nghiệp chưa thực hiện được.
Ông Liêm cho hay, Sở GD&ĐT đã khảo sát các cơ sở GDMN tư thục trên địa bàn khu công nghiệp có trẻ là con công nhân theo học. Kết quả chỉ có 2 cơ sở GDMN độc lập tư thục đạt 30% trở lên có trẻ là con công nhân theo học. Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh kỳ họp tháng 12.2022 sắp tới về nghị quyết quy định chính sách đối với trẻ mầm non, giáo viên mầm non tại các cơ sở GDMN dân lập, tư thục liên quan đến khu công nghiệp…
MAI HOÀNG