Chung tay giúp đỡ người hoàn lương
Thời gian qua, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho những người chấp hành xong án phạt tù được thực hiện linh động và thiết thực. Nhờ đó, nhiều người hoàn lương đã giảm dần mặc cảm, ổn định cuộc sống, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật tại địa phương.
Là công nhân may lành nghề với mức thu nhập 10 triệu đồng/ tháng là điều anh N.V.D. (ở xã Tây An, huyện Tây Sơn) từng không dám nghĩ tới sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương cách đây 8 năm. Trước đó, anh D. bị kết án 12 năm tù giam về tội đánh bạc và cố ý gây thương tích, nhờ chấp hành án tốt nên sau 9 năm anh được trở về với gia đình.
CA xã Tây An (huyện Tây Sơn) thăm hỏi, động viên người chấp hành xong án phạt tù tại địa phương. Ảnh: K.A
“Ngày mới về, tôi cũng bế tắc lắm vì mặc cảm, không biết bắt đầu từ đâu. Chính lúc này, tôi được CA xã động viên, định hướng và đứng ra bảo lãnh, xin việc làm cho. Giờ đây, tôi còn được Hội Nông dân xã hỗ trợ vay 20 triệu đồng để mua bò, phát triển sản xuất gia đình. Lắm khi cứ ngỡ mình mơ, thế nên tôi chỉ còn biết cố gắng chăm chỉ làm việc, tuân thủ pháp luật để không phụ lòng của mọi người”, anh D. chia sẻ.
Anh C.B. (ở TP Quy Nhơn) cũng từng gặp nhiều khó khăn sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Song, giờ đây, chính anh lại là người tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động từ nghề sửa ô tô. Anh B. chia sẻ: “Những ngày đầu mới về nhà, tôi bị nhiều người dè bỉu là thằng tù nên buồn lắm. Nhờ gia đình, lực lượng chức năng, nhất là cán bộ CA thường xuyên gần gũi, động viên, định hướng lại nghề nghiệp nên tôi thấy tự tin hơn và bắt đầu làm lại cuộc đời từ nghề sửa xe”.
Thời gian qua, các mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tại từng xã, phường mang lại hiệu quả tích cực. Đơn cử như tại xã Tây An (huyện Tây Sơn), mô hình “Nông dân với công tác quản lý, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng” triển khai tại 5/5 thôn đã hỗ trợ việc làm ổn định tại địa phương cho 8/14 người chưa xóa án tích.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây An, cho biết: “Nắm bắt được khó khăn của người vừa chấp hành xong án phạt tù, chúng tôi chủ động gần gũi, sát sao với từng trường hợp. Từ đó, có định hướng hỗ trợ, quan tâm phù hợp. Chúng tôi đã thành lập tổ tự quản tại từng thôn để động viên tư tưởng, tạo điều kiện xóa án tích, xác nhận hạnh kiểm, đạo đức cũng như giới thiệu việc làm, giới thiệu nguồn vốn vay để họ ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo ANTT tại địa phương”.
Trong khi đó, Đoàn phường Trần Phú (TP Quy Nhơn) tập trung vào các trường hợp vừa được xóa án tích trong độ tuổi thanh niên để phối hợp cùng chi đoàn Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (CA tỉnh) tuyên truyền, giáo dục pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, tư vấn các thủ tục pháp lý. Đáng chú ý là phân công đoàn viên khảo sát, nắm bắt nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình để có kế hoạch giúp đỡ, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh.
Theo thượng tá Võ Biên Cương, Trưởng Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (CA tỉnh), toàn tỉnh hiện có trên 1.900 người chấp hành xong án tù về địa phương chưa được xóa án tích. Việc động viên, hỗ trợ kịp thời sẽ góp phần giảm tái phạm từ nhóm đối tượng này.
“Để những người chấp hành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, lực lượng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương đến thăm hỏi, động viên tinh thần. Đặc biệt, tham mưu các cấp, ngành, địa phương có cơ chế, chính sách, hỗ trợ về vốn, việc làm… giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, góp phần kiềm chế tái phạm, vi phạm pháp luật”, thượng tá Cương nói.
KIỀU ANH