Thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, trẻ dễ phạm tội
Trong những năm gần đây, tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo các bậc cha mẹ trong việc quản lý con cái; đồng thời đánh động các cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên.
Những phận trẻ thiệt thòi
Mồ côi cha mẹ từ khi lên 4 tuổi, Nguyễn Văn K. (SN 1998, ở Đắk Lắk) được một người bác mang về nuôi và cho ăn học. Đến năm 9 tuổi, K. bỏ đi sau nhiều lần bị bác đánh đập và đuổi ra khỏi nhà, theo lời em kể. K. lang thang đầu đường xó chợ, rồi theo một chuyến xe khách xuống Quy Nhơn sống cho đến nay, khi em tròn 16 tuổi. Để có cái ăn, K. hết đi xin lại đi ăn cắp vặt, nhiều lần bị bắt đưa vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh Bình Định. Vì không có người thân bảo lãnh nên ở Trung tâm một thời gian, K. bỏ trốn. Và đây là lần thứ 3 em được đưa vào Trung tâm. Sau hồi lâu trò chuyện, giọng nói ậm ừ và khuôn mặt lầm lỳ của K. dần giãn ra. K. chia sẻ: “Em cũng muốn thoát khỏi cảnh sống bờ bụi và trộm cắp, nên có lần theo tàu đi đánh cá, nhưng em không quen với sóng biển nên phải vào lại bờ. Để sống, em lại đi ăn cắp. Giá như ba mẹ em đừng chết...”. Nói đến đây, K. im lặng.
Trần Phi V. (SN 1992, ở phường Thị Nại, Quy Nhơn) lên 10 tuổi thì mẹ mất, cha bỏ đi. V. phải sống cùng ông bà ngoại. Thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, V. tụ tập, ăn chơi lêu lổng cùng bạn bè, rồi tập tành “đập đá”, rồi nghiện. Để có tiền chi tiêu và thỏa mãn cơn nghiện ma túy, V. tổ chức đánh bạc, từng bị cơ quan chức năng xử lý hành chính.
Khác hẳn với hai trường hợp trên, Nguyễn Công Tr. (SN 1997, ở huyện Phù Mỹ) là con út trong gia đình có 3 anh chị em. Tuy gia đình làm nông nhưng cha mẹ không để Tr. thiếu thốn. Ấy vậy mà vào tháng 3 vừa qua, Tr. đã tham gia một nhóm chặn đường cướp tiền của 15 tài xế xe tải. Vụ việc xảy ra, gia đình Tr. hoàn toàn bất ngờ, bởi Tr. không hẳn ngoan hiền nhưng cũng không phải đứa ngỗ ngược, ở trường cũng không phải học sinh cá biệt. Mẹ Tr. chia sẻ: “Tr. là con út trong gia đình nên chúng tôi cũng cưng chiều nó hơn một chút. Nhưng sự việc xảy ra, chúng tôi hoàn toàn không thể ngờ được”.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), CA tỉnh, từ đầu năm đến nay, đã có 109 vụ phạm pháp hình sự do người chưa thành niên gây ra, với 190 đối tượng, chiếm trên 30% tổng số vụ phạm pháp hình sự; trong đó, dưới 14 tuổi có 4 đối tượng, từ 14 đến dưới 16 tuổi có 5 đối tượng, còn lại từ 16 đến dưới 18 tuổi có 136 đối tượng. Các vụ việc do người ở tuổi chưa thành niên gây ra chủ yếu là cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp và cướp giật.
Hãy cho em tình yêu thương
Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, giáo dục, cai nghiện, chữa bệnh, tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy. Ngoài ra, hiện Trung tâm còn đảm nhiệm công tác tiếp nhận, giáo dục các đối tượng trẻ vị thành niên cơ nhỡ, không nơi nương tựa, đa số đều có những hoàn cảnh éo le. Nói về những trường hợp này ở Trung tâm, ông Lê Văn Liễn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm, nhìn nhận: “Bên cạnh sự tác động từ mặt trái của xã hội phát triển, nguyên nhân chính là do thiếu sự quan tâm của gia đình. Vì vậy, tôi nghĩ, các bậc làm cha, làm mẹ cần phải nghĩ thấu đáo về nguyên nhân của nguy cơ trẻ vị thành niên phạm tội để phòng tránh cho con cái ngay chính trong gia đình mình, trước khi nói đến trách nhiệm của nhà trường và xã hội”.
Thượng tá Lâm Cự Hiếu, Trưởng phòng PC45, CA tỉnh, thì phân tích: “Lứa tuổi này phạm tội chủ yếu là do bộc phát chứ không hình thành âm mưu, thủ đoạn chặt chẽ như các lứa tuổi khác. Các em chủ yếu đã bỏ học, tụ tập ăn chơi và phạm tội”.
Để ngăn ngừa tình trạng này, theo thượng tá Lâm Cự Hiếu, sắp tới, Phòng PC45 sẽ triển khai “Phòng lấy lời khai thân thiện” đối với người chưa thành niên để việc điều tra, xử lý vụ việc liên quan đến lứa tuổi này được phù hợp và mang lại hiệu quả, vì đây là nhóm tuổi nhạy cảm, điều tra viên phải vừa điều tra nhưng cũng phải vừa tuyên truyền. “Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng chuyên đề phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng chống tội phạm lứa tuổi chưa thành niên đến tận cơ sở, gắn với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Song, hơn hết việc quản lý, giáo dục các đối tượng này đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả một hệ thống, mà gia đình vẫn là yếu tố quan trọng nhất”, thượng tá Hiếu khẳng định.
KIỀU ANH