Tăng cường kiểm soát dịch đậu mùa khỉ từ cổng nhập cảnh
Từ 2 ca bệnh đậu mùa khỉ vừa qua, các chuyên gia cho rằng cũng cần tăng cường giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu, sân bay quốc tế, nhất là những chuyến bay tới từ các nước đang có dịch đậu mùa khỉ.
Từ đầu tháng 10.2022 đến nay, Việt Nam đã phát hiện hai bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ (đều là nữ) tại TPHCM. Trước đó, họ đã ở và sinh hoạt chung trong thời gian du lịch tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất). Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh, nữ bệnh nhân đầu tiên đã chủ động khai báo với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM. Nhờ đó, khi ca bệnh thứ hai về nước đã được sàng lọc từ cửa khẩu, sau đó cách ly và điều trị kịp thời, nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng là rất thấp.
Đánh giá về nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ tại nước ta sau khi phát hiện hai ca bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang mở cửa, giao lưu trở lại sau đại dịch Covid-19, sự xuất hiện ca bệnh đậu mùa khỉ tại nước ta không có gì bất ngờ. Hai ca bệnh có nguồn lây từ nước ngoài này đã được phát hiện sớm và cách ly ngay, nên nguy cơ lây lan không cao. Việt Nam không quá lo ngại về hai ca bệnh này, bởi một số quốc gia tại châu Á cũng đã ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ, nhưng không bùng lên thành dịch.
Ảnh minh họa
Hiện tại, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ nào, nhưng theo nhận định của các chuyên gia y tế, nguy cơ bệnh xâm nhập có thể xảy ra. Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, để phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời, từ rất sớm thành phố đã đẩy mạnh thực hiện nghiêm việc giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài qua việc đo thân nhiệt, giám sát sức khỏe của hành khách nhập cảnh, nhất là những chuyến bay tới từ các nước đang có dịch đậu mùa khỉ.
“Người dân chủ động khai báo khi đi từ vùng dịch về hoặc có các triệu chứng nghi ngờ, giúp phát hiện sớm ca bệnh, ngăn chặn bệnh không lây lan trong cộng đồng”- ông Khổng Minh Tuấn cho hay.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, để chủ động phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, tại khu vực kiểm dịch y tế quốc tế cần phải bổ sung tờ rơi, pa nô truyền thông, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ. Cùng với đó, rà soát lại việc trực đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin khi có trường hợp nghi ngờ hoặc khi có ca bệnh. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với hãng bay, chuyến bay để kịp thời phát hiện, xử lý sớm ca bệnh… Đồng thời, tiếp tục cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới, cập nhật chuyên môn, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiến thức chẩn đoán, phòng, điều trị bệnh đậu mùa khỉ cho các đơn vị trong ngành và bảo đảm vật tư, trang thiết bị, thuốc, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
BS. Nguyễn Hải Nam, Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Hà Nội cho biết, khi có hành khách nghi ngờ hoặc qua giám sát trực tiếp tại khu vực kiểm dịch phát hiện trường hợp nghi ngờ, bộ phận kiểm dịch y tế sẽ tiến hành cách ly trường hợp đó và tiến hành khám sàng lọc. Khi nhập cảnh, nếu có triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ, người dân sẽ được cách ly ngay lập tức, sau đó được đưa đến bệnh viện để theo dõi, điều trị. Đồng thời, lập danh sách những trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh để theo dõi tình hình sức khỏe trong vòng 21 ngày và khử khuẩn khu vực người bệnh có đi qua.
Trước đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), có văn bản gửi các cơ sở, đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nhập khẩu thuốc, để chủ động nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị bệnh đậu mùa khỉ.
Theo Cục Quản lý Dược, hiện vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ cũng đã được cấp phép lưu hành ở một số nước. Vì vậy Cục Quản lý dược cũng đề nghị các đơn vị nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc chủ động liên hệ với các nhà sản xuất nước ngoài để có thể tiếp cận nguồn cung các thuốc trên và rà soát nhu cầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Liên quan đến 2 ca bệnh đậu mùa khỉ vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ theo công điện của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, tập trung giám sát, phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời. Các viện trực thuộc Bộ Y tế cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.
Theo Minh Khánh (VOV.VN)