Ðấu giá tài sản ngày càng chuyên nghiệp, chặt chẽ
Qua 5 năm thi hành Luật Ðấu giá tài sản, hoạt động đấu giá trên địa bàn tỉnh ngày càng chặt chẽ, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch. Qua đó, góp phần giảm tiêu cực, khiếu kiện trong hoạt động này, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và tổ chức, cá nhân có tài sản.
Chuyển biến tích cực
Theo Sở Tư pháp, toàn tỉnh hiện có 14 tổ chức đấu giá tài sản (ĐGTS) đang hoạt động, gồm 1 trung tâm (thuộc Sở Tư pháp), 9 DN và 4 chi nhánh DN; với 18 đấu giá viên đang hành nghề.
Luật ĐGTS năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2017 đã tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất cho hoạt động ĐGTS theo hướng chuyên nghiệp hóa; tạo lập môi trường giao dịch công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu ĐGTS của các cá nhân, tổ chức.
Thanh tra Sở Tư pháp làm việc với Công ty Đấu giá hợp danh T&T Bình Định về hoạt động đấu giá chuyên ngành. Ảnh: Sở Tư pháp
Đặc biệt, Quyết định số 43/2018/QĐ-UBND ngày 17.8.2018 của UBND tỉnh quy định về đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) để Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho hoạt động đấu giá QSDĐ. Theo đó, các quy định về đấu giá QSDĐ rõ ràng và thống nhất thực hiện trên toàn tỉnh, như: Quỹ đất được đấu giá; xác định giá khởi điểm đấu giá QSDĐ; điều kiện đối với người tham gia đấu giá QSDĐ… Ngoài ra, thông tin đấu giá QSDĐ được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Tài chính và Sở Tư pháp cũng tăng cường tính công khai, minh bạch.
Đối với đấu giá đất dự án, đơn vị tổ chức đấu giá phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh xây dựng tiêu chí đấu giá đối với từng dự án. Sau đó, trình UBND tỉnh phê duyệt và thành lập Tổ đánh giá năng lực tổ chức kinh tế tham gia đấu giá đất dự án. Nhờ đó, giúp việc đấu giá đất dự án đạt hiệu quả cao, chọn được nhà đầu tư có đủ điều kiện, năng lực tài chính.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐGTS cũng được các sở, ngành và UBND tỉnh theo dõi sát sao. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát về hoạt động ĐGTS tại các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức ĐGTS được tăng cường thực hiện.
Sở Tư pháp phối hợp tổ chức nhiều cuộc kiểm tra tại các tổ chức ĐGTS và 11 huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, chấn chỉnh những tồn tại, sai sót trong hoạt động ĐGTS. Đồng thời, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ĐGTS để kiến nghị UBND tỉnh, Bộ Tư pháp có biện pháp giải quyết.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định
“Luật ĐGTS tạo cơ sở pháp lý để công tác ĐGTS trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, đạt nhiều kết quả tích cực; bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật về đấu giá và có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Kết quả này góp phần tạo nguồn vốn đầu tư phát triển, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phục vụ phát triển KT-XH tại địa phương”.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp CHÂU THỊ HƯƠNG LAN
Cùng với việc tiếp tục thực hiện Luật ĐGTS, tháng 2.2022, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTP hướng dẫn lựa chọn tổ chức ĐGTS, tạo cơ sở cho người có tài sản lựa chọn tổ chức ĐGTS thống nhất trong cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị có tài sản trên địa bàn tỉnh khi lựa chọn tổ chức ĐGTS đã đặt ra các tiêu chí thiếu công khai, minh bạch, công bằng, khách quan.
Ông Trần Minh Hồng, Trưởng Phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp), cho biết: Một số cơ quan, đơn vị có tài sản đặt ra các tiêu chí không trực tiếp liên quan tới việc tổ chức cuộc đấu giá, như tổ chức đấu giá có trụ sở chính tại địa phương; tổ chức đấu giá có chi nhánh tại địa phương; trong năm đã tổ chức đấu giá tối thiểu 3 tài sản nhà nước là QSDĐ ở gắn liền với công trình nhà, có kết quả đấu giá thành từ 11 tỷ đồng/tài sản trở lên; tổ chức đấu giá đã thực hiện đấu giá thành công tài sản là đất trên địa bàn… Các tiêu chí này mang tính áp đặt, làm nảy sinh tiêu cực trong hoạt động ĐGTS, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản đấu giá.
“Để chấn chỉnh, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 12.8.2022 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐGTS trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Chỉ thị đã góp phần thống nhất các quy định của pháp luật về ĐGTS; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động ĐGTS trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật ĐGTS”, ông Hồng cho hay.
Chỉ thị số 11/CT-UBND yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật ĐGTS và Thông tư số 02/2022/TT-BTP. Bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan trong việc lựa chọn tổ chức ĐGTS chuyên nghiệp.
Sở Tư pháp phối hợp cung cấp thông tin về tổ chức, hoạt động của tổ chức ĐGTS khi có yêu cầu của người có tài sản đấu giá trong việc lựa chọn tổ chức ĐGTS. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về việc lựa chọn tổ chức ĐGTS của người có tài sản đấu giá theo thẩm quyền.
CA tỉnh tăng cường đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ĐGTS; nhất là việc cấu kết giữa các tổ chức, nhóm lợi ích với người có thẩm quyền nhằm chi phối các cuộc đấu giá...
VĂN LỰC