APPF-30: Quốc hội Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu Covid-19
Lần đầu tiên sau 10 năm, Việt Nam đạt được mức độ tăng trưởng kinh tế khoảng 8% vào năm nay, kiểm soát được lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Đây là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể chia sẻ với bạn bè quốc tế trong bối cảnh hiện nay.
Hôm nay (28.10), Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 30 (APPF-30) tiếp tục với các phiên thảo luận toàn thể về Chính trị-An ninh, Vai trò của nghị sỹ trẻ trong thực hiện mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau,” Kinh tế và các vấn đề thương mại.
Phiên thảo luận bàn tròn "Vai trò của nghị sỹ trẻ trong thực hiện mục tiêu Không ai bị bỏ lại phía sau" trong khuôn khổ Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 30 (APPF-30) ngày 27.10.2022.
Tại các phiên thảo luận, đại biểu từ các quốc gia thành viên APPF đã chia sẻ quan điểm chính sách và kinh nghiệm về tăng cường vai trò của các cơ quan lập pháp trong giải quyết các thách thức cản trở sự phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19; đề ra biện pháp và hành động khẩn cấp hỗ trợ sinh kế của người dân sau đại dịch.
Đại biểu cũng thảo luận về vai trò của cơ quan lập pháp trong tăng cường tái kết nối khu vực về con người, thương mại và đầu tư, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và lương thực… nhằm hướng tới một khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng bền vững, cân bằng, bao trùm và thịnh vượng.
Ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại diện đoàn Việt Nam tham dự Phiên thảo luận bàn tròn "Vai trò của nghị sỹ trẻ trong thực hiện mục tiêu Không ai bị bỏ lại phía sau" ngày 27.10.2022.
Chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự APPF-30, cho biết: "Quốc hội Việt Nam đã rất tích cực đồng hành cùng với Chính phủ để ban hành và triển khai các chương trình phục hồi, đặc biệt là việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 giao cho Chính phủ thẩm quyền có tính chất đặc thù, đặc cách và đặc biệt để chủ động trong công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội.
Quốc hội đã tổ chức kỳ họp đặc biệt, trong đó thông qua các chương trình phục hồi trị giá lên đến gần 17 tỷ USD (350.000 tỷ VND) và tổng chương trình của chúng ta là khoảng hơn 8% GDP, lớn hơn rất nhiều so với các nước khác và đã mang lại những kết quả rất tích cực cho KT-XH của Việt Nam.
Lần đầu tiên sau 10 năm, chúng ta đạt được mức độ tăng trưởng kinh tế khoảng 8% vào năm nay, kiểm soát được lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Đây là những kinh nghiệm mà chúng ta có thể chia sẻ với bạn bè quốc tế trong bối cảnh hiện nay”.
Bên cạnh đó, Hội nghị đã thảo luận về các biện pháp nhằm thúc đẩy ngoại giao nghị viện đóng góp vào các mục tiêu về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng, qua đó góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.
Theo PV/VOV