Nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động
“Mềm hóa” qua hội thi
Đầu tháng 10.2022, Sở LĐ-TB& XH, Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) và Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam) phối hợp với UBND huyện Tây Sơn tổ chức Hội thi tìm hiểu về thực hiện pháp luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). 3 đội thi đến từ Công ty TNHH Công nghiệp Able Tây Sơn, Công ty CP May Tây Sơn, Công ty CP Du lịch Hầm Hô Rosa Alba đã tham gia 4 phần thi: Chào hỏi; lý thuyết, trắc nghiệm; tình huống; tiểu phẩm.
Trong các phần thi, phần thi xử lý tình huống và tiểu phẩm phản ánh rõ nét nhận thức của người lao động (NLĐ) đối với pháp luật ATVSLĐ. Đối với phần thi tình huống, NLĐ vừa phân tích, đưa ra hướng xử lý, vừa phải tư duy, vận dụng hiểu biết pháp luật để trả lời các câu hỏi phụ do thành viên ban giám khảo đặt ra.
Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đối thoại với NLĐ về pháp luật ATVSLĐ. Ảnh: N.M
Ở phần thi tiểu phẩm, các đội xây dựng các kịch bản liên quan vấn đề ATVSLĐ gắn với bối cảnh sản xuất, kinh doanh của đơn vị, DN mình. Đơn cử, Công ty CP May Tây Sơn lấy bối cảnh ở xưởng cắt vải, nhân viên sử dụng máy cắt vòng đang vừa thao tác vừa mang tai phone nghe nhạc. Đáng nói, nhân viên không mang bao tay bảo hộ. Khi an toàn vệ sinh viên của công ty đi kiểm tra, nhắc nhở, có tình trạng chống chế, đợi kiểm tra mới thực hiện đủ các quy định về ATVSLĐ; đến khi an toàn vệ sinh viên rời đi, mọi thứ lại quay về như cũ. Không may, tai nạn lao động xảy ra khi nhân viên bị máy cắt vòng cắt vào tay, cả tổ lúng túng trong xử lý…
Chị Huỳnh Lâm Hà Giang, NLĐ Công ty CP May Tây Sơn, chia sẻ: “Thông qua các tình huống trên sân khấu, các quy định pháp luật ATVSLĐ được truyền tải mượt mà, thuyết phục. Đội thi của tôi đã cố gắng xây dựng các nhân vật, lời thoại thật gần gũi với cuộc sống thường ngày để câu chuyện thực hơn, thuyết phục hơn, tạo được ấn tượng trong khán giả”.
Chị Lê Thị Kim Thảo, NLĐ Công ty TNHH Công nghiệp Able Tây Sơn, nói thêm: “Được tổ chức dưới dạng hội thi, các đội mất nhiều thời gian để chuẩn bị, cập nhật kiến thức nhưng bù lại, sau khi kết thúc hội thi, các quy định của pháp luật lan tỏa, được người xem ghi nhớ lâu hơn. Thông qua hội thi, tôi hiểu biết thêm về quyền lợi, trách nhiệm của NLĐ trong thực hiện các quy định về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, để một ngày nào đó nếu mình hay đồng nghiệp rơi vào tình huống tương tự, sẽ biết cách vận dụng, xử lý”.
Bà Phạm Thị Thúy, Phó trưởng Phòng Huấn luyện, Thông tin An toàn lao động (Cục An toàn lao động), nhận định: “Chúng tôi nhận thấy được sự hưởng ứng của NLĐ, sự quan tâm của lãnh đạo DN, lãnh đạo địa phương đối với hội thi. Như vậy là chúng ta đã bước đầu đạt được các hiệu quả, hiệu ứng truyền thông. Trong thời gian tới, bên cạnh những khóa tập huấn chuyên sâu về chính sách mới liên quan đến pháp luật ATVSLĐ, cần có thêm nhiều hình thức đổi mới, thu hút người lao động như hội thi lần này”.
Đối thoại trực tiếp
Hình thức đối thoại trực tiếp với NLĐ tại DN về pháp luật lao động, trong đó có pháp luật về NLĐ được Hội đồng NLĐ tỉnh tổ chức thường xuyên hằng năm.
Tại Hội nghị đối thoại về thực hiện pháp luật NLĐ trong DN năm 2022, Hội đồng đã nhận được các câu hỏi như: Những trường hợp tai nạn lao động nào được trợ cấp hằng tháng; chế độ phụ cấp đối với an toàn vệ sinh viên tại DN; bị tai nạn lao động trong thời gian thử việc thì có được trợ cấp không; điều kiện, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện NLĐ… Các thành viên Hội đồng đã dẫn dắt các quy định pháp luật, có những trao đổi, phân tích cụ thể để NLĐ hiểu chính sách, tự bảo vệ quyền lợi của mình, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
Từ có thông tin, hiểu biết pháp luật về NLĐ, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nhiều nạn nhân tai nạn lao động đã được bảo vệ về quyền lợi khi xảy ra tai nạn. Anh Lê Quốc Đạt (công nhân Xí nghiệp 380, Công ty CP Phú Tài, nạn nhân của tai nạn lao động bị giá đỡ ngã đè trúng chân) cho biết: “Khi tôi bị tai nạn lao động, DN đã kịp thời sơ cứu, đưa đi cấp cứu, điều trị, thanh toán khoản đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả. Công ty tham gia đầy đủ BHXH, BHYT cho tôi nên tôi được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định”.
Bị mất một phần cánh tay phải do tai nạn lao động trong quá trình làm việc, chị Hồ Thị Diễn (công nhân Công ty CP Thủy sản Bình Định) đã được DN hỗ trợ nhiều mặt, trong đó giới thiệu chị thực hiện giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật; bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, tạo điều kiện để chị tiếp tục làm việc tại công ty…
“Tất cả những hỗ trợ theo đúng quy định pháp luật này giúp tôi vượt qua giai đoạn khủng hoảng sau tai nạn. Hơn hết là niềm vui được tiếp tục làm việc, lao động, có thu nhập để đảm bảo cuộc sống, lo cho con”, chị Diễn nói.
NGUYỄN MUỘI