“5 không, 3 sạch” xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ đã góp sức vào công tác xây dựng nông thôn mới thông qua phong trào “5 không, 3 sạch”. Với phương châm “thiết thực, dễ làm, hiệu quả”, các mô hình, hoạt động nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ phía người dân.
Nội dung của “5 không” là không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. “3 sạch” gồm sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.
Cụ thể, thiết thực
Tiêu chí hàng đầu được các cấp hội chú trọng trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới là môi trường. Tiêu chí này thể hiện mức độ nhận thức, lối sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người; đồng thời là “bộ mặt” của địa phương.
Phụ nữ xã Nhơn Phong (TX An Nhơn)dùng giỏ đi chợ để hạn chế bì ny lông thải ra môi trường. Ảnh: Hội LHPN xã Nhơn Phong
Thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, cung cấp kiến thức xoay quanh việc bảo vệ môi trường; Hội LHPN xã Nhơn Phong (TX An Nhơn) nhận ra: Phương pháp nói - nghe không thực sự hiệu quả bởi chị em nghe rồi quên ngay. Môi trường chung lại mau chóng “bớt xanh” bởi rác thải sinh hoạt.
Sau một thời gian, Hội thành lập mô hình “phụ nữ dùng giỏ xách đi chợ”, hạn chế tối đa bì ny lông sử dụng ở chợ. Ngoài ra, để giải quyết số chai, lọ nhựa tích trữ ở nhà người dân, Hội mở nhiều đợt “đổi rác lấy quà”; người dân hào hứng tham gia, dần điều chỉnh thói quen sống xanh với môi trường.
Vui vẻ rủ hàng xóm cùng đi chợ với chiếc giỏ xách được Hội Phụ nữ xã tặng, chị Lê Thị Hằng (ở thôn Thanh Giang) chia sẻ: “Chiếc giỏ xách nhỏ lại mang đến lợi ích và niềm vui không nhỏ chút nào. Nó vừa nhắc chúng tôi có ý thức hơn với môi trường, vừa tạo dựng hình ảnh đẹp của người dân nơi đây trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao”.
Tương tự, tại Vĩnh Thạnh, để tiêu chí môi trường được người dân hiểu và cùng góp sức thực hiện, các cấp hội phụ nữ nỗ lực tuyên truyền bằng nhiều cách: Cử cán bộ là người dân tộc thiểu số đến từng hộ trò chuyện, hướng dẫn cách xử lý rác thải hợp vệ sinh tại nhà; xây dựng các bể chứa rác gồm bao bì, vỏ đựng thuốc bảo vệ thực vật đặt tại lối dẫn ra đồng…
Tự nguyện trở thành tuyên truyền viên sau nhiều lần cùng Hội Phụ nữ xã tìm hiểu thực trạng môi trường sống ở địa phương, chị Đinh Thị Nga (ở xã Vĩnh Hòa) cho biết: “Tôi nhận ra nếu điều chỉnh một số thói quen sinh hoạt thì môi trường sẽ mau được cải thiện. Để làm được điều đó, tôi và chị em trong hội tự mình làm gương rồi dần dần “kéo” thêm nhiều người cùng tham gia. Nhờ vậy, trong 2 năm gần đây, những tuyến đường hoa xuất hiện nhiều hơn, làm đẹp cho thôn xóm và được người dân chăm sóc kỹ lưỡng”.
Đồng bộ, đa dạng
Hội LHPN TX Hoài Nhơn là một trong những đơn vị được đánh giá cao về việc vận động hội viên phụ nữ ở tuyến cơ sở cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2022, 83,3% số hộ ở thị xã đạt 8 tiêu chí “5 không, 3 sạch”. 100% cơ sở hội đều có hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới như: Xây dựng đoạn đường tự quản về vệ sinh môi trường, thành lập mô hình “thôn, xóm xanh - sạch - đẹp”, vận động người dân đăng ký thu gom rác thải tập trung…
Ở cấp tỉnh, từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng 22 công trình “đường hoa do phụ nữ chăm” tại 22 xã với tổng kinh phí 411 triệu đồng; duy trì các mô hình “chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, “phụ nữ hạn chế sử dụng túi ny lông”, “trụ cờ kiểu mẫu”; vận động xây lò đốt xử lý rác thải tại các hộ gia đình; triển khai các hoạt động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh).
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hoàng Thị Thanh Nhã cho biết: “Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh chủ trương đổi mới, sáng tạo các hình thức tuyên truyền; tích cực giới thiệu các mô hình hiệu quả trong công tác truyền thông về môi trường; chú trọng tiêu chí “3 sạch” của cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, góp phần xây dựng hiệu quả nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao”.
DƯƠNG LINH