Buông xuôi thì dễ, vượt lên mới quý!
Tại Lễ kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam, chàng thanh niên khiếm thị Trần Nhật Huy (23 tuổi, ở TP Quy Nhơn) đã thu hút sự chú ý của nhiều người khi nhận Giải thưởng Thanh niên sống đẹp cấp tỉnh năm 2022. Huy rất vui, vì trải qua bao thử thách nghiệt ngã của số phận, anh vẫn làm được điều mình mong muốn, đó là “phiên bản hiện tại của chính mình phải tốt hơn những phiên bản trước”.
Từ “cậu ấm” thành “người khuyết tật”
Ngồi dưới sân khấu thấy con cười khi nhận Giải thưởng có ý nghĩa tinh thần lớn lao ấy, bà Đặng Thị Thúy Hạnh, mẹ Huy, lén lau nhanh những giọt nước mắt không ngừng tuôn. Bà bảo mình hạnh phúc vì đã nhìn thấy lại “nụ cười rạng rỡ” trên gương mặt đứa con duy nhất.
Bà kể, đến tận 10 năm sau khi lập gia đình mới sinh ra Huy, kinh tế không khá giả gì nhưng bao tình thương dồn hết cho con, ông bà không để con thiếu thốn điều gì. Từ nhỏ, Huy tỏ ra rất hiểu chuyện, hiền, ngoan, luôn cố gắng học tập, tham gia nhiệt tình các hoạt động thi đua, văn nghệ, TDTT để đền đáp tình cảm mọi người dành cho mình và làm ba mẹ vui lòng. Huy ôm ấp mơ ước trở thành một bác sĩ quân y hoặc một diễn viên tài năng, nổi tiếng.
Vậy mà, năm 2014, khi đang học lớp 10, Huy bị đau đầu, bác sĩ chẩn đoán bị tụ máu não, phải mổ. Để rồi, sau hai ngày hôn mê, Huy tỉnh dậy trên giường bệnh và hoảng loạn khi không còn nhìn thấy ánh sáng nữa.
● Ắt hẳn rất khó khăn để chấp nhận thực tế quá phũ phàng. Lúc ấy anh nghĩ gì?
- Ba mẹ và tôi nghĩ, chắc có sơ suất gì và cần thời gian để đôi mắt tôi hồi phục. Suốt một tháng ròng, tôi không ngủ được, mở mắt không thấy gì, buồn, chán, tôi sụt mất 15 kg. Dù biết hy vọng rất mong manh nhưng cả nhà tôi không từ bỏ. Ba mẹ tôi quá đau lòng, lao lực, đã thi nhau đổ bệnh.
Nhà tôi đã không còn gì từ mùa hè năm ấy. Phải có tiền chạy chữa đôi mắt cho tôi, tiền mua thuốc chữa khớp háng cho ba, thuốc điều trị bệnh u xơ tử cung cho mẹ nên đành phải bán căn nhà trong hẻm nhỏ chứa đựng biết bao niềm vui, ký ức tuổi thơ êm đềm, đẹp đẽ của tôi. Nhưng rồi, sau tất cả mọi cố gắng là sự thất vọng não nề. Hằng đêm, nằm nghe ba mẹ nén tiếng thở dài, cảm nhận sự xót xa, tuyệt vọng tột cùng, tôi đã hoàn toàn mất phương hướng.
Trần Nhật Huy nhận Giải thưởng Thanh niên sống đẹp cấp tỉnh năm 2022. Ảnh: NVCC
● Anh từng chia sẻ đã nghĩ đến việc “giải thoát”, vậy điều gì “neo” anh lại với cuộc đời này?
- Thật sự lúc ấy, tôi từng nghĩ: “Hay là mình chết đi, ba mẹ có đỡ khổ hơn không?”. Nhưng rồi tôi lại nghĩ: Tôi là đứa con duy nhất của ba mẹ, sau cả hơn một thập niên chờ đợi, họ hạnh phúc đón tôi vào đời. Nếu tôi không còn, ba mẹ có chịu thêm được nỗi đau mất đứa con duy nhất này không? Chính vì vậy, trước mặt ba mẹ, tôi luôn nỗ lực để giấu nhẹm nỗi buồn, tỏ rõ thái độ sống “đã chấp nhận nghịch cảnh số phận”; thấy tôi như vậy, ba mẹ tôi dần dần yên lòng theo.
Còn với người khác, tôi tự ti lắm. Bạn bè tâm lý, hay đến nhà rủ tôi đi chơi, đi ăn uống nhưng tôi luôn từ chối khéo. Nằm một mình, tôi thường ứa nước mắt. Ký ức về lúc sinh ra lành lặn, lớn lên, đến trường học tập, vui chơi như bao người, bản thân không ngừng nỗ lực phát triển để đáp lại công ơn ba mẹ không thôi ám ảnh. Nhưng giờ, tất cả điều đó đã được tôi nén chặt, cất kỹ trong sâu thẳm cõi lòng mình.
Vượt lên số phận
Xác định rõ tâm thế phải bước tiếp trên con đường đời gập ghềnh, chông chênh, chàng thanh niên khuyết tật nhiều nghị lực Trần Nhật Huy nỗ lực học tập và làm việc. Anh tự học tiếng Anh, tiếng Nhật, tham gia lớp học đàn, học nghề đan nhựa giả mây rồi nhận sản phẩm về làm kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Ba năm trước, anh tìm hiểu về Hội Người mù tỉnh và xin phép ba mẹ gia nhập Hội. Được Hội tạo điều kiện, anh học chữ Braille, tin học, cách sử dụng điện thoại thông minh dành cho người mù, cách sử dụng gậy định hướng, học nghề xoa bóp bấm huyệt, làm chổi đót, tăm tre…
● Anh thấy mình đã nhận lại được những điều gì từ các lớp học ấy?
- Nhiều chứ. Chiếc gậy giúp dò đường, đi lại thuận tiện. Chiếc điện thoại thông minh giúp cập nhật thông tin cuộc sống, tạo lập và duy trì nhiều mối quan hệ bạn bè, công việc, đặc biệt thông qua các trang mạng xã hội. Tôi đã có thể soạn văn bản, gửi email trên máy tính.
Trước đây, mỗi khi muốn về quê ngoại ở huyện Tây Sơn chơi, tôi phải chờ lúc ba hay mẹ có thời gian rảnh. Giờ thì tôi có thể tự đi khắp nơi mà ba mẹ vẫn yên tâm. Tôi gọi xe đến tận nhà đón. Xe dừng ở điểm hẹn, tôi gọi người thân ra chở về nhà.
Bạn bè của tôi cũng ngày càng nhiều, trong đó có những bạn làm quen từ Facebook, Zalo. Đa số họ quý mến, chia sẻ hoàn cảnh khó khăn nên tôi ngày càng thoải mái và tự tin.
Điều tôi hướng tới là tiếp tục nghiên cứu, sử dụng thành thạo các thiết bị hỗ trợ dành cho người mù để cuộc sống của mình thêm thuận lợi.
Huy có kế hoạch tham gia lớp y sĩ y học cổ truyền để có thể xoa bóp, bấm huyệt và trị liệu cho khách hàng có nhu cầu. Ảnh: N.T
● Còn với các lớp học nghề thì sao?
- Tôi đã nắm bắt được kỹ thuật, kỹ năng làm một số nghề và có thu nhập, phụ giúp ba mẹ. Hiện tại, tôi đang gắn bó với nghề xoa bóp bấm huyệt tại một cơ sở ở TP Quy Nhơn, cho thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng/tháng. Vốn kiến thức tiếng Anh và tiếng Nhật tự học hóa ra lại rất hữu ích trong công việc. Ở cơ sở, chỉ mình tôi có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ nên hầu như khách nước ngoài đều do tôi phụ trách. Có động lực, có môi trường thực hành, tôi dành thời gian rảnh mở rộng vốn kiến thức ngoại ngữ và cập nhật thông tin về sự phát triển của Quy Nhơn, Bình Định đặng giới thiệu, trao đổi với khách nước ngoài.
Tìm thấy niềm vui trong công việc lại làm ra tiền, tôi đã hoàn toàn cất bỏ sự tự ti là “gánh nặng của ba mẹ và xã hội”. Tôi đã có tiền để mua những thứ mình muốn, mua quà tặng bạn bè, chủ động rủ bạn bè đi ăn uống, giải trí, giúp đỡ bạn và những người khó khăn quanh mình. Đồng thời, tôi còn tích lũy một khoản dành cho việc học tập và cuộc sống trong tương lai.
Sống đẹp, sống có ích
Từ tận cùng của tuyệt vọng, Huy đã chọn sống và vươn lên, cùng với ý thức trách nhiệm với bản thân và ba mẹ. Những lần dự lễ kỷ niệm hay tham gia liên hoan do Hội Người mù tỉnh tổ chức, Huy thường chọn ngồi giữa những thanh niên đồng tật như mình, kể cho họ nghe về những chuyến du lịch khi còn sáng mắt, về vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Rồi hẹn hôm nào cùng nhau đón taxi đi ra ngoài, hít thở khí trời, lắng nghe âm thanh cuộc sống.
Theo Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Nguyễn Hùng Thanh, Huy là một tuyên truyền viên rất tích cực của Hội, nâng đỡ hiệu quả tinh thần nhiều hội viên trẻ tuổi có hoàn cảnh khó khăn, thuyết phục thành công nhiều người có ý nghĩa buông xuôi, gieo trong họ niềm lạc quan và hy vọng sống tiếp.
● Khi bước lên sân khấu nhận Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” cấp tỉnh năm 2022, anh đã nghĩ gì?
- Tôi đã hơi “run” khi được xướng tên và lên sân khấu nhận Giải thưởng. Tôi nhận thức rõ, đây là phần thưởng dành cho những bạn trẻ theo đuổi lối sống có lý tưởng, bản lĩnh, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Bởi vậy, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để không ngừng phát triển bản thân, sống có ích, truyền năng lượng tích cực cho xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ gặp hoàn cảnh không may mắn như mình.
● Có vẻ như anh đã có định hướng cho tương lai?
- Đúng vậy. Tôi đang chờ Trung ương Hội Người mù Việt Nam mở lớp trung cấp y sĩ y học cổ truyền và lớp máy tính văn phòng. Lớp nào mở trước, tôi sẽ đăng ký học, sau đó tiếp tục học lớp kia.
Tôi đang háo hức với lớp y sĩ, bởi khi mắt còn sáng, tôi đã mơ ước trở thành bác sĩ quân y. Giờ đây, bằng cách nào đó, tôi vẫn có thể “chữa bệnh cứu người”. Còn kiến thức tin học thì rất rộng lớn, tôi xác định phải luôn cập nhật, nâng cao. Sau này, tôi có thể hỗ trợ Hội Người mù tỉnh mang tin học đến với nhiều người mù, tạo điều kiện để họ vươn lên.
● Cảm ơn anh. Chúc anh sớm đạt được tâm nguyện!
NGỌC TÚ (Thực hiện)