“Bài chòi ai hát mà mê...”
Những vấn đề của cuộc sống hằng ngày như: Ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, tình nghĩa vợ chồng, tình mẫu tử, huynh đệ hay đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người hoặc thậm chí phê phán những thói hư tật xấu, hủ tục lỗi thời, lạc hậu trong xã hội… đều được bài chòi phản ánh sinh động, thông qua ngôn ngữ bình dân, gần gũi, dễ hiểu. Nội dung các câu hát sử dụng trong hội chơi bài chòi mang ý nghĩa nhân văn và có tính giáo dục cao, điều đó giải thích vì sao bài chòi có đời sống bền bỉ như thế.
Với nhu cầu thưởng thức của quần chúng nhân dân trong hội bài chòi ngày càng cao, các anh hiệu ở Bình Định đã đua nhau sáng tác, làm phong phú thêm giai điệu và lôi cuốn khán giả đi xem bài chòi. Đặc biệt là từ khi xuất hiện “hiệu xã”, hội chơi bài chòi trở nên sôi động, hấp dẫn hơn. Các anh hiệu rủ nhau từng tốp đôi ba người lập thành “gánh” nhỏ để đi về các vùng thôn quê biểu diễn, phục vụ bà con. Các lớp người chen nhau, lớp ngồi, lớp đứng chăm chú lắng nghe, theo dõi từng câu hát và diễn xuất của các anh hiệu. Họ không chỉ hô các bài lẻ, độc tấu mà còn sáng tạo ra nhiều thể loại như: Kể chuyện, đối đáp, ca kịch… với các làn điệu, lời ca bình dị, gần gũi với người dân lao động. Bài chòi thực sự là một trò chơi dân gian giải trí, mang tính chất văn chương bình dân dành cho tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ, gái trai, giai cấp, địa vị xã hội… của người dân xứ Nẫu.
Hội đánh bài chòi dân gian TP Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Thông qua những câu hô thai hài hước, dí dỏm, mang tính chọc cười có duyên của anh/chị hiệu được bà con nhiệt thành hưởng ứng, những câu hô thai ấy dù không được ghi ra giấy nhưng vẫn lưu lại trong trí nhớ của người chơi hay nghe bài chòi. Nó có thể coi như một dòng văn học dân gian truyền miệng, có sức hút rất lớn trong nhân dân. Qua thời gian, đã được hun đúc, vun bồi và sáng tạo bởi bao thế hệ nghệ sĩ tâm huyết để phát triển thành sân khấu Ca kịch bài chòi ở một số tỉnh miền Trung.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, mỗi khi có đoàn văn công bài chòi đến lưu diễn, hiếm có môn nghệ thuật nào mà nhân dân say mê như ca kịch bài chòi. Có những đêm diễn, pháo địch bắn cầm canh rơi gần điểm diễn nhưng bà con không rời ánh đèn sân khấu, còn động viên các nghệ sĩ diễn cho hết kịch. Qua sân khấu bài chòi, người xem không chỉ thưởng thức nghệ thuật mà chính nơi ấy, họ gửi gắm lòng mình, chia sẻ niềm vui, soi rọi cuộc đời. Tính độc đáo của bài chòi không chỉ về nội dung, tính chất mà còn thể hiện sức hút của các làn điệu trữ tình, thướt tha, mượt mà như Xuân nữ; hùng dũng, mạnh bạo như điệu Cổ bản, Xàng xê; dịu dàng, sâu lắng như Hò quảng và các điệu lý, điệu hò,… làm say đắm lòng người.
Tuy có lúc trải qua những biến cố, thăng trầm nhưng bài chòi vẫn luôn được người dân xứ Nẫu nuôi dưỡng và được coi như “món ăn” tinh thần không thể thiếu. Bài chòi đã ra đời từ dân gian, lưu truyền từ đời này sang đời khác nên đã sống mãi trong dân gian, trong làng xã và trở thành “sợi dây” vô hình neo giữ tâm hồn người Việt. Tuy đã phát triển thành sân khấu chuyên nghiệp, nhưng bài chòi vẫn bám trụ trong lòng nhân dân lao động nông thôn và có sức sống bất tận. Nó như một mạch nguồn âm ỉ, chỉ chực bùng cháy, tuôn trào cho thỏa lòng đam mê, nhiệt huyết của những nghệ nhân bài chòi khắp mọi nẻo quê.
Dù trong đời sống ngày nay có nhiều loại hình giải trí khác có thể đến tận từng nhà nhưng người dân Bình Định vẫn không quên những lời ca ngọt ngào, mùi mẫn và những làn điệu trữ tình, sâu lắng của dân ca bài chòi. Ở Bình Định hiện nay có Đoàn Ca kịch bài chòi (thuộc Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh) và nhiều CLB bài chòi đủ năng lực phục vụ nhân dân. Nhờ đó bài chòi vẫn giữ được sức lôi cuốn của mình.
Và mỗi khi có Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định biểu diễn phục vụ, hút rất đông khán giả tới xem, đặc biệt là những vùng được coi là “đất bài chòi” như Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát… Ngoài ra, ở Bình Định hiện nay có hàng chục CLB bài chòi và nhiều anh/chị hiệu tích cực hoạt động sôi nổi, nhất là mỗi dịp tết đến xuân về tại các hội bài chòi dân gian ở khắp các huyện, xã trong tỉnh.
Được sự quan tâm của Nhà nước, đặc biệt là sự ngưỡng mộ của các tầng lớp nhân dân, thêm vào đó là các đợt Liên hoan, Hội diễn Sân khấu Dân ca kịch bài chòi chuyên nghiệp và không chuyên toàn quốc được tổ chức thường xuyên, đều đặn, các đoàn nghệ thuật bài chòi Bình Định đã liên tục giành được nhiều thành tích tốt… Tất cả những yếu tố đó cho thấy sức sống mãnh liệt và phổ biến rộng khắp của bộ môn nghệ thuật này trong lòng người dân xứ Nẫu.
NGUYỄN THÚY HƯỜNG