Kéo dài vòng đời của rác thải
“Vườn tái chế” (ở xóm 2, thôn Long Thành, xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn) được biết đến là “mái nhà chung” của người khuyết tật, do bà Nguyễn Thị Thanh Nga (Chi hội trưởng Chi hội khuyết tật Nguyễn Nga) làm chủ cơ sở. Điểm đặc biệt của khu vườn chính là việc tiếp nhận các vật liệu bỏ đi và “hô biến” chúng trở thành vật dụng có ích.
Bắt nguồn từ việc nhận thấy số lượng bì ny lông, hộp đựng đồ ăn làm từ xốp, nhựa tăng lên trong mùa dịch vừa qua, bà Thanh Nga đã nghĩ đến việc tạo nên “cuộc đời thứ 2” cho các vật liệu trên. Bà chia sẻ: “Nhìn số lượng lớn rác thải nhựa trước mắt, tôi tự hỏi liệu có cách nào tận dụng chúng hay không. Thế rồi, tôi cùng các hội viên quyết định xây dựng nên “Vườn tái chế” - nơi các phế thải sẽ được kéo dài vòng đời sử dụng”.
Người khuyết tật ở “Vườn tái chế” tạo nên sản phẩm hữu dụng làm từ vật liệu nhựa và vải vụn. Ảnh: D.LINH
Bắt tay thực hiện ý tưởng, 20 hội viên cùng mày mò, tìm hiểu cách tái chế từng đồ dùng: Từ chai, lọ nhựa đến những bìa giấy cạc-tông, báo cũ… Dần dần, quanh vườn xuất hiện dãy chuông gió tự chế được làm từ hơn 500 chai nhựa, những bình hoa từ chai đựng nước rửa chén hay những mô hình xe trang trí làm từ lõi giấy vệ sinh, hộp bánh. Xa hơn, mọi người có kế hoạch cùng sáng tạo nên các món đồ trang trí, làm đẹp cho vườn như cây thông mừng ngày Giáng sinh từ nguyên liệu vỏ đựng mì tôm, hay quả địa cầu với đường kính 2 m làm từ xốp…
Tỉ mỉ hướng dẫn các bạn nhỏ hơn tạo hình cho bức tường chai nhựa - giấy báo ngay gian chính của vườn, anh Phan Huỳnh Anh Toan (SN 1990) bật mí: “Không chỉ làm các mô hình xe giấy, chúng tôi còn muốn tạo nên không gian mới từ việc tận dụng vật liệu cũ, tức số chai nhựa đã thu gom, đợi đến ngày sử dụng”.
Ngoài giấy và vật liệu nhựa, vườn tái chế còn tận dụng những mảnh vải vụn, chắp vá chúng làm thành những bộ trang phục, đồ gia dụng bắt mắt. Chăm chú cùng chị em “bắt tay” hoàn thiện tấm bạt lớn, chị Trương Thị Ngọc Dung (SN 1990) chia sẻ, việc lắp ghép, may vá các mảnh vải nhỏ thành sản phẩm hoàn chỉnh khó hơn việc may trang phục từ tấm vải nguyên vẹn, bởi phải chú ý đến độ cân xứng, tránh lãng phí. Trung bình, một tấm bạt như vậy cần làm ít nhất 3 - 4 ngày mới hoàn thiện.
“Tuy phức tạp nhưng chị em ai cũng vui vì tự mình làm ra những sản phẩm hữu ích, nhất là khi nó được “gom góp” lại từ nhiều mảnh vải chỉ lớn hơn bàn tay một chút. Bởi vậy, tuy là đồ tái chế nhưng mỗi sản phẩm đều được tự tay chúng tôi cẩn thận từng đường kim, mũi chỉ”, chị Dung bày tỏ.
Không chỉ tái chế các vật liệu bỏ đi, tập thể vườn còn lên lịch, cùng nhau dọn dẹp rác thải quanh xã vào mỗi thứ Bảy hằng tuần. Người dân trong xóm 3 dần quen với hình ảnh nhóm người mặc áo xanh, í ới gọi nhau, chuẩn bị bao tay, kẹp rác, bì đựng, nhặt từng chiếc hộp, bao ny lông vứt bừa bãi. Điều này càng ý nghĩa khi họ là những người khiếm khuyết, nhưng lại tình nguyện vượt qua rào cản, đem lại màu xanh cho môi trường.
Song song với các hoạt động thu gom, tái chế, vườn còn chuẩn bị riêng khoảnh đất rộng để mọi người cùng đến gieo trồng, chung tay tạo thêm bóng mát.
“Chúng tôi hy vọng vườn tái chế sẽ là nơi để mọi người trải nghiệm không gian xanh đúng nghĩa với cây xanh, rau sạch, đồng thời hiểu thêm về vòng đời của những vật liệu tưởng chừng bỏ đi; tự tay làm nên những sản phẩm tái chế nhỏ xinh, hữu ích”, bà Nga chia sẻ.
DƯƠNG LINH