Tháng Mười
● Tản văn của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Thế là đã vào tháng Mười, tháng của những cơn gió se lạnh và những cơn mưa khi nhợt nhạt lúc ầm ào. Không dừng lại ở đó, tháng Mười của tôi có nhiều chuyến đi, nhiều kỷ niệm, nhiều duyên nợ. Tóm lại, tháng Mười của tôi là những ngày đặc biệt.
Ngày đặc biệt nhất là ngày 10.10 - sinh nhật của tôi và ba. Hai cha con đều có chung ngày sinh trên giấy tờ. Thật ra là thế này, mẹ kể, mẹ sinh tôi vào tháng ba nhưng hồi đó giấy tờ có phần lỏng lẻo nên ba đi làm khai sinh chậm, ba lấy ngày sinh của mình khai luôn cho con gái, nói cho dễ nhớ. Cho dễ nhớ hay nhà chỉ toàn con trai, ngó chừng miết mẹ cũng đẻ một cô con gái rượu nên ba muốn đánh dấu ngày con đến với ba, đến với cuộc đời bằng một ngày đặc biệt. Không cần biết lý do, tôi luôn mỉm cười khi nghĩ tới lời mẹ “ổng đẻ mầy chớ không phải mẹ” rồi cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nghĩ đến ngày sinh của mình.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Ngày đặc biệt nữa của tháng Mười là ngày tôi chính thức trở thành cô giáo vùng cao. Đó là một ngày tháng Mười, ngày trời có mưa. Tôi cầm hồ sơ lên núi và nhanh chóng được nhận công tác. Rất quyết tâm làm cô giáo vùng cao nên bỏ qua những lời ngăn cản của ba mẹ và bạn bè nhưng hoài bão đã thành lại thấy lơ mơ. Tôi ít nhiều hoang mang khi nhìn thấy xóm làng, trường lớp tiêu sơ, vắng lặng. Bỗng thấy chột dạ, hình như chỗ này chỉ dành cho những kẻ yếm thế chứ không phải một cô nàng năng động, ưa náo nhiệt tôi. Ngôi trường tạm bợ, xiêu vẹo, nhà vệ sinh thô sơ, nước sạch phải đến nhà dân xin từng thùng, tắm rửa, giặt giũ tại cái giếng gần đường cái. Ban ngày, học sinh đến trường bữa đực bữa cái. Buổi tối, phải chia nhau đi dạy phổ cập. Nếu đêm nào anh chị đi dạy bỏ tôi một mình ở dãy nhà công vụ tôi đành đến nhà một bác già ở gần đó nhất để ngủ nhờ. Bác sống một mình nên mỗi lần tôi đến, bác luôn hiếu khách. Nhiều lần như vậy, tôi với bác ấy trở thành bạn vong niên, tôi hay chia sẻ mọi điều vui vẻ, muộn phiền với bác.
Đêm tháng Mười, vùng núi thường có mưa. Đêm ấy mưa xối xả, mưa thiếu điều muốn vỡ ngói trôi tôn của dãy nhà nội trú, đến nỗi tôi tưởng tượng ông trời có bao nhiêu nước đều trút hết xuống hạ giới trong đêm ấy. Sáng đó, tôi dậy sớm. Bỗng tôi nhìn thấy một bó rau muống đọt vươn dài mơn mởn, rau này chắc chắn trồng ao đìa hoặc ven sông. Bó rau được bỏ cẩn thận trên nắp của chiếc xô nhựa chứa nước, đọt rau còn dính mủ, chắc là mới hái, mới được đặt xuống thôi. Nghĩ là của ai đó cho nên mấy chị em vui vẻ làm món rau muống xào tỏi, xa nhà, cơm canh đạm bạc, sau lưng nội trú có cây me to nên chị đồng nghiệp làm món nước rau muống luộc với lá me, ngon khỏi chê luôn. Những buổi sáng sau nữa, vẫn có một bó rau muống xanh non như vậy trước hè.
Cảm thấy tò mò, tôi muốn “bắt” quả tang “cô tiên nấp trong quả thị” nên dậy thiệt sớm rình ở cửa. Thấy rồi! Ra là “người bạn vong niên”. Đặt bó rau muống xuống thềm, tự nhiên và lặng lẽ, bác rảo bước để thầy cô thoải mái.
Bó rau muống tặng các thầy cô miền xuôi lên núi công tác, tình cảm của người vùng cao thật chân tình mộc mạc, món quà từ đôi tay nghèo khó làm tôi xúc động mạnh. Cầm bó rau muống, tôi như ôm tình cảm của người dân quê vào lòng. Bó rau nhẹ tênh nhưng tình cảm tôi nhận được thật nhiều.
Tháng Mười, vùng cao rất nhiều những cơn mưa. Mưa làm tôi nhớ. Nhớ những bó rau muống đã cột cô nàng có ngày sinh tháng Mười ở lại với ngôi trường đến giờ, không như lúc cô ấy đã nghĩ mình sẽ không bao giờ gắn bó lâu dài được.