GS Trung Quốc lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung
Với vị trí địa lý liền kề, người dân hai bên vốn từ lâu đã có truyền thống giao thương mật thiết, Việt Nam và Trung Quốc hiện đang sở hữu một nền tảng hợp tác vững chắc trong lĩnh vực kinh tế thương mại.
“Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy tình cảm lâu bền giữa hai nước. Tôi rất lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam”. Đây là khẳng định của Giáo sư Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Công nghiệp Chiết Giang - Cơ quan nghiên cứu về Việt Nam duy nhất tại Trung Quốc.
Là một chuyên gia về Việt Nam, khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Trung Quốc chỉ vài ngày sau khi Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc, ông Thành Hán Bình không giấu nổi niềm hân hoan, nhưng với ông điều này không quá bất ngờ, bởi theo ông việc những người hàng xóm ủng hộ, chúc mừng nhau khi có việc vui, đó là nét văn hóa tương đồng giữa hai nước.
Giáo sư Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Công nghiệp Chiết Giang. (Ảnh: NVCC)
Ông Bình nói rằng, khi đọc được những chữ như “đồng chí, anh em” trong Điện mừng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông thấy “vô cùng gần gũi”.
“Cách đây 5 năm, sau khi Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc, quốc gia đầu tiên mà Tổng Bí thư Tập Cận Bình đến thăm là Việt Nam. Đến nay, sau Đại hội XX, lãnh đạo cao nhất đầu tiên đến thăm Trung Quốc lại là của quốc gia xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà là biểu hiện của tình cảm lâu bền và hiểu nhau giữa hai nước”, ông Bình chia sẻ.
Từ góc độ của một nhà nghiên cứu, việc tăng cường tin cậy chính trị và hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên là các vấn đề trọng tâm được giáo sư Thành Hán Bình quan tâm trong chuyến thăm quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Bình đánh giá, hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có tính bổ sung cao và bền vững. Mặc dù dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến toàn thế giới, khiến hợp tác trong lĩnh vực này giữa nhiều quốc gia gặp không ít khó khăn, tuy nhiên 8 tháng đầu năm 2022 kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao. Theo ông Bình, “điều này cho thấy tiềm năng to lớn và sức bật của hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên”.
Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng, với vị trí địa lý liền kề, người dân hai bên vốn từ lâu đã có truyền thống giao thương mật thiết, Việt Nam và Trung Quốc hiện đang sở hữu một nền tảng hợp tác vững chắc trong lĩnh vực kinh tế thương mại. Việc thiết lập các cơ chế hợp tác quốc tế như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay hợp tác Mekong - Lan Thương, đều mang lại những cơ hội mới trong mở rộng các kênh hợp tác giữa hai bên.
“Tôi rất lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam. Là cơ sở nghiên cứu về Việt Nam duy nhất tại Trung Quốc, tôi hy vọng Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Công nghiệp Chiết Giang có thể trở thành cầu nối giữa hai nước, giúp tăng cường giao lưu hợp tác hữu nghị, cũng như sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài ra theo tôi, không gian hợp tác giữa hai bên là rất lớn, bởi dù gì hai nước cũng là láng giềng hữu nghị của nhau”, ông Bình khẳng định.
Ông Bình cho biết, mong mỏi của ông là hai nước tiếp tục tăng cường trao đổi cấp cao và giao lưu chính sách, nhằm nâng cao hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, cùng kiến tạo một tương lai tươi sáng hơn cho quan hệ Việt-Trung.
Theo Bích Thuận (VOV)