Giúp ngư dân đi biển an toàn
Nhằm tạo điều kiện đảm bảo an toàn, góp phần phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và vì sự phát triển bền vững của nghề cá, Bình Ðịnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn an toàn lao động và tiếp cận an sinh xã hội cho ngư dân khai thác hải sản.
Trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu hiện trạng rủi ro an toàn lao động (ATLĐ) trên tàu cá và tiếp cận an sinh xã hội (ASXH) của lao động trong khai thác hải sản, góp phần cải thiện thực thi chính sách tại Việt Nam” do tổ chức phi chính phủ quốc tế ActionsAid hỗ trợ, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định và một số đơn vị khác tổ chức nhiều lớp tập huấn về ATLĐ tàu cá và tiếp cận ASXH cho ngư dân trong tỉnh.
Theo các chuyên gia, để giảm thiểu các vụ tai nạn, sự cố khi lao động trên biển, ngư dân phải tự nâng cao ý thức bảo vệ chính mình.
- Trong ảnh: Thuyền viên của một tàu cá đang rửa cá trước khi chuyển cá xuống hầm bảo quản. Ảnh: LÊ THANH TRƯỞNG
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Bình Định, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã nhận tin báo 20 sự cố trên biển, cụ thể: 3 tàu cá bị hỏng máy được các tàu cá trong tổ đội hỗ trợ lai dắt, 2 tàu bị mắc cạn phải bỏ tàu, 5 tàu cá bị phá nước chìm, 1 tàu bị tàu lạ đâm chìm, 2 thuyền viên bị đau chết, 2 thuyền viên bị tai nạn, 5 thuyền viên rơi xuống biển mất tích. Kết quả thiệt hại 7 tàu chìm, 2 người chết và 5 người mất tích.
Ông Nguyễn Thanh Đoàn, chủ tàu BĐ97334-TS làm nghề lưới vây, cho biết: “Vừa qua, trong lúc cho cây đá vào cối xay, một thuyền viên bị thương do trượt tay vào cối, phải nằm ở nhà mấy tháng liền chưa đi biển trở lại được. Chỉ một chút lơ là mà hậu quả khôn lường. Sau sự việc này, tôi tổ chức rà soát lại mọi thứ, tăng cường đảm bảo an toàn, quán triệt vấn đề này đến từng anh em”. Không được may mắn như thế, ông Võ Văn Tánh, chủ tàu BĐ97654-TS ở Hoài Hương, Hoài Nhơn, làm nghề lưới vây ánh sáng chia sẻ, trong quá trình lao động trên tàu cá do bất cẩn, thuyền viên Nguyễn Văn Chung (SN 1995) đã rơi xuống biển và mất tích.
Mặc dù số lượng tai nạn lao động không phải là ít nhưng đến nay vấn đề đảm bảo ATLĐ chưa được chính các ngư dân thực sự coi trọng, và điều đáng lo ngại là phần lớn nguyên nhân tai nạn lao động trong lĩnh vực này là do ngư dân chủ quan.
Theo các chuyên gia, để giảm thiểu các vụ tai nạn, sự cố khi lao động trên biển, bên cạnh sự phối hợp thực hiện của các cơ quan chức năng trong việc nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu cá thì chính ngư dân phải tự nâng cao ý thức bảo vệ chính mình khi bước vào môi trường lao động. Hơn nữa, cần phải đóng tàu đảm bảo chất lượng (thiết kế, đăng kiểm…), trang bị đầy đủ các trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, thông tin liên lạc, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về an toàn hàng hải, an toàn sản xuất; các quy định về đảm bảo an toàn của Nhà nước. Th.S Trần Văn Luận, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam, nhấn mạnh: Ngư dân rất nên tham gia hoạt động khai thác theo tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển, vừa nâng cao hiệu quả đánh bắt vừa tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi sự cố xảy ra. Chính ngư dân giúp đỡ ngư dân sẽ đạt hiệu quả cao nhất.
Cùng quan điểm như vậy, bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Giám đốc Đài Thông tin duyên hải Quy Nhơn đề nghị, bà con ngư dân nên thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo thiên tai, dự báo thời tiết biển và các thông tin an toàn hàng hải khác trên hai tần số 7906 KHz và 8294 KHz. Khi gặp tai nạn, sự cố trên biển cần sự trợ giúp, liên lạc với đài thông tin duyên hải trên tần số 7903 KHz để được hỗ trợ kịp thời.
Có mặt tại khóa tập huấn do ActionsAid hỗ trợ, bác sĩ Phạm Văn Dư, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho rằng, chủ tàu cần trang bị tủ thuốc y tế trên tàu, thuyền trưởng và thuyền viên cần học cách sơ cấp cứu để có thể tự chăm sóc và hỗ trợ lẫn nhau khi có tai nạn xảy ra vì “nước xa không thể cứu được lửa gần”.
Tỉnh Bình Định hiện có gần 45.000 lao động nghề cá, chiếm 8,1% lao động nghề cá cả nước. Với 5.962 tàu cá, trong đó có 3.243 tàu khai thác hải sản vùng khơi, chiếm gần 10% số tàu khai thác xa bờ của cả nước và dẫn đầu cả nước về số lượng tàu khai thác xa bờ. Năm 2021, sản lượng khai thác biển đạt 258.140 tấn, chiếm 6,6% sản lượng khai thác cả nước, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 107,966 triệu USD, chiếm 7,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Ngành thủy sản Bình Định được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của ngành thủy sản cả nước.
ÁI TRINH