Theo dấu tháp Chăm bằng mã QR
Bảo tàng tỉnh đã cung cấp thông tin thuyết minh một cách sinh động giúp du khách có thể dễ dàng tự tìm hiểu, nắm bắt những thông tin vừa khái quát vừa chi tiết khi đến tham quan tại các di tích tháp Chăm ở Bình Định. Tất cả chỉ bằng cách quét mã QR.
Nhằm góp phần bảo tồn di sản văn hóa, phát huy giá trị các di tích tháp Chăm gắn với phát triển kinh tế du lịch, Sở TT&TT phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng và hoàn thành hệ thống mã QR hỗ trợ Bảo tàng tỉnh thuyết minh cho du khách tại 7 cụm tháp Chăm, gồm: Tháp Đôi, Bánh Ít, Bình Lâm, Cánh Tiên, Dương Long, Phú Lốc, Thủ Thiện.
Theo ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT, chỉ trong vòng một tuần (từ ngày 17 - 25.10), ngành TT&TT đã xây dựng hoàn thành hệ thống mã QR được thiết kế in trên các thẻ nhựa, các bảng mica hai mặt và 5 bộ file mẫu thiết kế gồm nhiều kích thước khác nhau, bàn giao cho Bảo tàng tỉnh gắn các mã QR vào những vị trí thuận tiện tại các cụm tháp Chăm, giúp khách tham quan có thể tự mình nhanh chóng nắm bắt thông tin vừa khái quát vừa chi tiết về các tháp Chăm khi không có thuyết minh viên giới thiệu tại các điểm di tích này.
Thông qua thiết bị đầu cuối có thể quét mã QR (điện thoại thông minh, máy tính bảng…) du khách sẽ có được văn bản, hình ảnh, video clip… giới thiệu về lịch sử, niên đại, phong cách kiến trúc, chức năng tôn giáo các tháp Chăm, khái quát về vương quốc Champa… Nội dung giới thiệu ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ thông tin bằng hai thứ tiếng Việt, Anh.
Sử dụng mã QR để nắm thông tin về tháp Đôi, chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, một du khách đến từ tỉnh Vĩnh Phúc, bày tỏ: Tôi đến Quy Nhơn nhiều lần và lần nào cũng đến ngắm tháp Đôi. Riêng lần này điểm mới thú vị là có mã QR để quét. Dù không có thuyết minh viên, nhưng tôi vẫn biết được về cấu trúc quần thể, niên đại, phong cách kiến trúc, chức năng tôn giáo và tượng thờ Linga, Yoni của tháp Đôi, nhất là có video clip với góc quay đẹp, giọng đọc truyền cảm giới thiệu rất chi tiết về tháp Đôi!
Khách tham quan quét mã QR tại di tích tháp Đôi. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Việc ứng dụng mã QR giúp du khách dễ dàng nắm thông tin các tháp Chăm góp phần giúp ngành văn hóa thực hiện Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT, chia sẻ: “Chúng tôi cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến việc số hóa các di tích, hiện vật, tư liệu trưng bày… gặp nhiều khó khăn. Nhưng thành công từ dự án gắn mã QR để cung cấp dữ liệu phục vụ du khách tại 7 cụm tháp Chăm do Sở TT&TT hỗ trợ thực hiện đã tạo động lực cho chúng tôi rất nhiều khi tính toán đến một số dự án mới”.
Không chỉ đến tham quan trực tiếp tại di tích, bất cứ ai quan tâm cũng có thể chủ động tìm hiểu thông tin về các tháp Chăm ở Bình Định trong tuyến du lịch bằng cách quét mã QR do bạn bè chụp lại, những thông tin hiển thị qua ứng dụng QR được cung cấp nhanh chóng, chính xác. Đây cũng là cách chuyển tải giá trị di tích văn hóa, lịch sử của Bình Định đến với du khách nhanh nhất, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Chúng tôi sẽ đưa các file mã QR này lên mạng xã hội, website của đơn vị để du khách có thể “tham quan từ xa” tháp Chăm của Bình Định, góp phần quảng bá giá trị di tích Champa. Trong năm tới, chúng tôi sẽ lên kế hoạch phối hợp với Sở TT&TT cùng các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai việc số hóa di sản vật thể bằng công nghệ mã QR đối với các bảo vật quốc gia và một số hiện vật tiêu biểu trưng bày tại Bảo tàng tỉnh để phục vụ công chúng; đồng thời, làm thêm các bảng mã QR đặt tại các nơi thuận tiện ở 7 cụm tháp Chăm để du khách tham quan dễ dàng quét mã QR”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN