Hàng Việt đã tỏa rộng, lan xa đến miền núi, vùng sâu
Trong quá trình triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều chương trình ủng hộ sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, góp phần thay đổi mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt, cũng như tạo điều kiện giúp nhiều doanh nghiệp địa phương phát triển thương hiệu.
Thời gian qua, nhiều sở, ban, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, từ đó nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo DN cũng như người dân. Đặc biệt, các huyện miền núi như An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh đã nỗ lực, nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động sử dụng hàng Việt và ưu tiên hàng hóa địa phương.
Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam huyện An Lão là đơn vị thường xuyên chủ động phối hợp đưa hàng Việt về nông thôn; đặc biệt là các chương trình giảm giá cho hộ khó khăn nhằm kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt tại huyện này, các DN tư nhân như: Siêu thị điện máy Xanh, cửa hàng điện tử Việt Mỹ, cửa hàng điện máy Linh Sang; cửa hàng tiện ích Thủy Tiên, Hóa Nguyên Sinh; cửa hàng đồ gia dụng Huỳnh Long Hiệu… cũng rất tích cực quảng bá các sản phẩm thương hiệu Việt, thu hút nhiều người đến mua sắm.
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, đến nay toàn huyện đã xây dựng được 14 sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Đặc biệt trong số này có 5 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu, gồm: Mật ong rừng An Lão, chè tiến vua An Lão, cam xoàn An Lão, thịt heo đen An Lão, dứa An Lão. Để động viên các DN, cơ sở sản xuất có thêm động lực phát triển sản xuất, quảng bá thương hiệu, UBND huyện tích cực hỗ trợ các đơn vị này đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường, điển hình là các trường hợp: Mật ong rừng của cơ sở Mây (xã An Tân), cau trái của Công ty TNHH Thương mại Huệ Cư (xã An Hòa), cơ sở thảo mộc của hộ bà Đỗ Thị Thu Thảo (xã An Hòa), cơ sở nem chả Tài Yến của hộ ông Phạm Đình Tài (xã An Hòa), sản phẩm cam sành của hộ ông Lê Văn Năng (xã An Toàn).
Không chỉ tác động tích cực khiến nhiều người tiêu dùng ở huyện miền núi Vân Canh thay đổi thái độ, hành vi, ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt, cuộc vận động còn khiến nhiều chủ DN, cửa hàng tự nguyện ưu tiên bán hàng Việt, sản phẩm địa phương, trong đó điểm bán hàng Việt của ông Nguyễn Cảnh Duy, chủ cơ sở cà phê, trà Cazin là điển hình. Ông Duy chia sẻ: Điểm bán hàng của chúng tôi hiện có hơn 100 sản phẩm địa phương như bún, phở khô, trà, cà phê, bánh tráng, bột ngũ cốc, nước mắm… Chúng tôi cam kết bán đúng giá, dự trữ số lượng hàng hóa với nhiều chủng loại khác nhau, nhất là mặt hàng nhu yếu phẩm, đảm bảo phục vụ nhu cầu cơ bản của đồng bào ở đây.
Điểm bán hàng Việt tại huyện Vân Canh của cơ sở sản xuất cà phê, trà Cazin bày bán toàn bộ sản phẩm địa phương. Ảnh: HẢI YẾN
Không chỉ đẩy mạnh hỗ trợ DN, HTX, cơ sở sản xuất địa phương sản xuất, tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2022, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định còn đẩy mạnh hỗ trợ các huyện miền núi mở hội chợ, phiên chợ hàng Việt, mở rộng thị trường; đa dạng mẫu mã sản phẩm… Điển hình là phiên chợ hàng Việt tại huyện Vĩnh Thạnh diễn ra từ ngày 29.5 đến 5.6 có hơn 37 DN trong và ngoài tỉnh tham gia với hơn 90 gian hàng tiêu chuẩn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, trong đó đáng kể là các đơn vị: Công ty TNHH Springchi, HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp Vĩnh Hiệp, hộ kinh doanh Lê Văn Sáng, Bưu điện huyện Vĩnh Thạnh, HTX sản xuất thương mại - dịch vụ Phong Nga, Công ty TNHH cà phê An Phú Quý, HTX sản xuất nước mắm Nhơn Lý Hương Thanh, HTX Nông Công Thương An Nhơn, Giống cây trồng Thanh Hương… Kết quả trong 7 ngày, phiên chợ đã đón hơn 15.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu sản phẩm và mua sắm, tổng doanh thu bán hàng đạt hơn 1 tỷ đồng.
Ở Bình Định, đến nay hàng Việt Nam chất lượng cao không chỉ có ở các trung tâm thương mại, siêu thị, vùng đô thị mà còn lan tỏa đến nhiều cửa hàng bán lẻ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa với chủng loại phong phú, đa dạng. Tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 80% tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị… và trở thành kênh hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu trong tiêu dùng hằng ngày của người dân miền núi. Đặc biệt, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam còn góp phần tích cực, giúp các cơ sở sản xuất trong tỉnh phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.
HẢI YẾN