Đóng góp ý kiến về nội dung dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
(BĐ) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 1.11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Góp ý về nội dung dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nêu vấn đề, về tên gọi Luật này, hiện Chính phủ trình xin ý kiến theo 2 phương án. Theo quan điểm của Chính phủ, tên gọi dự thảo Luật các tổ chức kinh tế hợp tác, nhưng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại đồng ý với phương án Luật HTX. Liên quan đến tên gọi, trong Điều 3 dự thảo Luật giải thích từ ngữ về HTX, tổ chức kinh tế hợp tác còn gây khó hiểu, chưa rõ ràng. ĐB Hạnh đề nghị Ban soạn thảo Luật và các ủy ban tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn vấn đề tên gọi này.
Đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, có nhiều góp ý về nội dung dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trong phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh cung cấp
ĐB Hạnh nhìn nhận, hiện số lượng HTXNN trên địa bàn cả nước rất đông (18.327 HTXNN). Trong điều kiện lợi thế và đặc điểm của nước ta, cũng như xu hướng phát triển nền nông nghiệp hiện nay, quan điểm về đầu tư phát triển nông nghiệp là một hướng đi thuận lợi cho các HTXNN trong phát triển. Do đó, ĐB Hạnh quan tâm đến nhóm chính sách đối với các HTXNN, cụ thể là vấn đề góp vốn bằng đất và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia góp vốn. Bởi có như vậy thì mới khuyến khích được các tổ chức kinh tế tập thể, các thành viên trong tích tụ đất, xây dựng các vùng chuyên canh, thâm canh rộng lớn, để HTXNN tồn tại và phát triển. ĐB Hạnh kiến nghị riêng về lĩnh vực đất đai, trong quá trình xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) thì phải tương thích với Luật đất đai (sửa đổi) tới đây, trong đó có một số nội dung cụ thể cần phải có quan điểm thống nhất trong tài sản đất đai, để khi người nào đứng tên vào thì phải hợp pháp, tránh những rắc rối hay tranh chấp về sau rất phức tạp…
ĐB Hạnh kiến nghị xem xét đảm bảo quyền lợi của người đóng góp tài sản lớn thì phải có quyền biểu quyết lớn hơn và hưởng được phân phối thu nhập cao hơn, như vậy mới khuyến khích họ mạnh dạn đầu tư tài sản đất đai vào HTX. Đồng thời, phải có những quy định rõ khi giải thể, phá sản thì quyền thừa kế quyền sở hữu đất được xác định như thế nào trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
ĐB Hạnh cho rằng, hiện nay Nhà nước rất quan tâm hỗ trợ các hoạt động của HTX, các tổ chức kinh tế tập thể. Ngay cả trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có tiêu chí yêu cầu xã nông thôn mới thì phải có HTX kiểu mẫu và cũng có quy định về tạo điều kiện để thực hiện. Tuy nhiên, nhiều địa phương phản ánh việc hiện HTX chủ yếu phải tự vận động trong kinh phí là chính, kinh phí hỗ trợ của nhà nước cũng có nhưng chỉ mang tính chất động viên… “Chúng ta đầu tư để cho HTX phát triển thì phải mạnh dạn trong việc xây dựng các cơ chế tài chính. Làm sao để đảm bảo HTX sống được, phát triển được và phục vụ lợi ích chung. Về nguồn kinh phí thì cần cân đối, coi như giao nhiệm vụ cho HTX thì phải hỗ trợ kinh phí cho HTX”, ĐB Hạnh kiến nghị.
ĐB Hạnh góp ý về quỹ hỗ trợ phát triển HTX tại Điều 21 dự thảo Luật, đề nghị cần làm rõ hơn quy định về nguồn hình thành quỹ, cơ chế vận hành quỹ và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý quỹ. Vấn đề quản lý quỹ cần hết sức lưu ý, lưu tâm để vừa đảm bảo sử dụng quỹ hiệu quả, tránh bị lạm dụng, lợi dụng và phát huy được vai trò của quỹ. Đồng thời, cũng phải làm rõ vai trò, chức năng của HTX, tránh chồng chéo, trùng lặp với vai trò và chức năng của quỹ tín dụng nhân dân. Về trích lập quỹ chung không chia tại Điều 61, ĐB Hạnh cho rằng tỷ lệ trích lập vào quỹ chung không chia từ giao dịch bên ngoài theo quy định tại Khoản 2, Điều 67 còn quá thấp và không đủ mạnh để định hướng HTX tập trung vào việc phục vụ các thành viên tham gia góp vốn và đề nghị nên tăng tối thiểu là 20 % lợi nhuận.
Về hoạt động tín dụng nội bộ, ĐB Hạnh nhìn nhận có điểm vênh giữa giải thích từ ngữ và nội hàm bên trong một số điều, khoản dự thảo Luật. Qua đó, kiến nghị các nội dung liên quan đến tín dụng nội bộ cũng như quy định về kinh tế hợp tác, có tư cách pháp nhân, được huy động vốn từ các thành viên. Cần phải quy định rõ hơn nguyên tắc của hoạt động tín dụng nội bộ đảm bảo thống nhất với Luật các tổ chức tín dụng. Bởi tín dụng là một lĩnh vực rất đặc thù và bên cạnh đó mang tính rủi ro rất cao. Chúng ta quy định chặt chẽ trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tương thích với các luật khác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức hoạt động cũng như công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.
HOÀI THU