Thêm nguồn lực đầu tư cho trường lớp
Từng bước tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, tỉnh Bình Ðịnh quyết định dành hơn 700 tỷ đồng cho chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2022 - 2025.
Nguồn lực trên được thực hiện theo Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông (GDPT) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025, UBND tỉnh ban hành tháng 10.2022.
Ưu tiên đáp ứng chương trình giáo dục mới
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học là một trong những yếu tố mang tính quyết định để nâng cao chất lượng dạy và học. Từ nhiều nguồn đầu tư, đến nay ở khối mầm non, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt hơn 76%, bán kiên cố hơn 23%; ở khối giáo dục tiểu học, tỷ lệ kiên cố hơn 73%, bán kiên cố 26%; ở khối THCS, tỷ lệ kiên cố gần 93%, bán kiên cố khoảng 7%; ở khối THPT, tỷ lệ kiên cố hơn 97%, bán kiên cố 2%.
Tuy nhiên, quy mô trường lớp tăng, nhu cầu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho ngành giáo dục rất lớn, cơ sở vật chất nhiều cơ sở giáo dục mới chỉ đáp ứng được các điều kiện tối thiểu để thực hiện chương trình học và các nhu cầu phục vụ học tập khác. Mặt khác, yêu cầu về cơ sở vật chất của chương trình GDPT 2018 lên ở mức cao hơn trước rất nhiều.
Trường Mầm non Vĩnh Thuận là 1 trong 4 trường tại Vĩnh Thạnh nằm trong đề án đầu tư của tỉnh. Ảnh: M.H
Với việc triển khai đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2022 - 2025, hơn 708 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương sẽ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo đủ 1 phòng/lớp để triển khai dạy học 2 buổi/ngày bậc mầm non, tiểu học. Bổ sung phòng học bộ môn, chức năng và phòng hiệu bộ đối với cấp THCS, THPT; xóa bỏ phòng học tạm, phòng học bị xuống cấp; tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Có 18 trường mầm non được bổ sung 65 phòng học; 43 phòng bộ môn, chức năng, phòng hiệu bộ. Khối giáo dục phổ thông có 42 trường được bổ sung 81 phòng học; 170 phòng bộ môn, chức năng, phòng hiệu bộ. Đồng thời, đầu tư bàn ghế học sinh đúng chuẩn.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Liêm cho biết, Đề án ưu tiên đầu tư nguồn vốn cho cấp mầm non, tiểu học và bảo đảm thiết bị tối thiểu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; ưu tiên các trường học ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn…
Huyện Vĩnh Thạnh có 4 trường mầm non, tiểu học được đầu tư từ đề án của tỉnh (chủ yếu phòng đa chức năng, bộ môn, tin học, nghệ thuật, ngoại ngữ...). Cô Luyện Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Thuận cho hay, cùng với hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở trường lớp bài bản, toàn xã gom về 1 điểm trường duy nhất và tổ chức bán trú, theo đề án trường sẽ được xây dựng phòng tin học, phòng nghệ thuật để đảm bảo cho hoạt động giáo dục trẻ.
Với 16 phòng học và 24 phòng bộ môn, chức năng được đầu tư bổ sung, theo Trưởng Phòng GD&ĐT Hoàng Ngọc Tố Nương, huyện Tuy Phước sẽ đầu tư ưu tiên cho 7 trường mầm non, tiểu học. Còn Trưởng Phòng GD&ĐT TX An Nhơn Lâm Lăng Long thông tin, 28 phòng học và 38 phòng bộ môn, chức năng... sẽ được đầu tư cho 9 trường tiểu học triển khai chương trình GDPT 2018.
Huy động thêm nguồn lực
Theo Sở GD&ĐT, một trong những khó khăn đầu tư cơ sở vật chất trường học là việc có nhiều điểm trường lẻ ở bậc mầm non, tiểu học. Riêng tỷ lệ điểm trường/trường tiểu học là 2,66, nhiều trường tiểu học có 3 - 6 điểm trường (chủ yếu các huyện, khu vực miền núi). Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh Phạm Minh Chấn cho hay, 7 trường tiểu học có đến 19 điểm trường lẻ, với 19 lớp ghép, gây khó khăn trong dạy học theo chương trình GDPT 2018.
Mặt khác, tốc độ đô thị hóa nhanh nên các thị xã, thành phố chịu áp lực về tăng số lượng học sinh, thiếu phòng học (chưa đảm bảo đủ mỗi lớp một phòng học).
Năm học này, Quy Nhơn có 25.649 học sinh tiểu học/667 lớp, bình quân 38,5 học sinh/lớp; 17.919 học sinh THCS/435 lớp, bình quân 41,2 học sinh/lớp, tăng học sinh tập trung ở một số trường nội thành. Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Tô Thị Thu Hường cho biết, UBND TP Quy Nhơn đầu tư mạnh cho cơ sở trường lớp, cơ bản đáp ứng 3 cấp học, nhất là tiểu học dạy 2 buổi/ngày khối 1, 2, 3. Tuy nhiên, nếu không được đầu tư thêm cho năm học tới thì triển khai chương trình GDPT 2018 ở khối lớp 4 sẽ thiếu trầm trọng phòng học.
Theo đề án của tỉnh, Quy Nhơn được đầu tư 15 phòng học và 16 phòng bộ môn, chức năng cho 3 trường mầm non, tiểu học. Thành phố cũng xây dựng đề án đầu tư các trường đảm bảo điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học giai đoạn 2020 - 2025, mục tiêu đến năm học 2024 - 2025 có 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; tổng kinh phí đầu tư trường lớp hơn 303 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cho hay, các địa phương tham gia đề án tăng cường về cơ sở vật chất cho các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn, đảm bảo cơ sở vật chất để thực hiện tốt chương trình giáo dục mới, phấn đấu tăng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia; đồng thời, lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương. Việc thực hiện đề án là cơ hội thực hiện tốt quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học, đảm bảo sử dụng tốt và có hiệu quả quỹ đất dành cho giáo dục; nâng cao hạ tầng trường lớp ngày càng hoàn thiện, khang trang, kiên cố hóa... đáp ứng tốt nhu cầu GD&ĐT của địa phương.
MAI HOÀNG