Thắt chặt công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm
Thời điểm cuối năm, dịch cúm gia cầm có chiều hướng diễn biến phức tạp do nhu cầu mua bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm tăng cao. Ðể chủ động phòng, chống dịch tái phát, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch cần được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thắt chặt.
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm (các chủng: A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8) tại 19 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, theo thông tin từ Bộ Y tế, đã ghi nhận 1 trường hợp người nhiễm vi rút cúm gia cầm chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ. Đây là trường hợp nhiễm cúm gia cầm trên người đầu tiên sau hơn 8 năm qua ở Việt Nam.
Hoạt động mua bán gia cầm sống trên đường Võ Lai (TP Quy Nhơn) tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm (ảnh chụp chiều 31.10). Ảnh: N.Q
Tại Bình Định, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (thuộc Sở NN&PTNT), cuối tháng 5.2022 đã xảy ra ổ dịch cúm trên đối tượng chim trĩ tại 1 hộ ở huyện Vân Canh, nhanh chóng được cơ quan chức năng bao vây, dập tắt. Tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh được khống chế tốt.
Tuy nhiên, mầm bệnh vẫn tồn tại ngoài môi trường. Đáng lo ngại là vào thời điểm cuối năm, hoạt động vận chuyển, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm tăng cao; nhất là trong dịp tết Quý Mão 2023 sắp đến. Thêm vào đó, tình hình thời tiết diễn biến cực đoan, mưa lũ, thời tiết lạnh làm suy giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, nguy cơ bùng phát dịch rất cao nếu không chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ, hiệu quả.
Điều chú ý, toàn tỉnh có hàng trăm điểm mua bán, giết mổ gia cầm sống tại các chợ, trong các khu dân cư, hầu hết đều không đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh. Gia cầm đưa đến các điểm mua bán, giết mổ hầu hết chưa được ngành chức năng kiểm dịch. Tại các chợ mua bán gia cầm nhỏ lẻ, tự phát, cơ quan chức năng chưa quan tâm đến công tác tiêu độc sát trùng nên nguy cơ lây lan vi rút cúm gia cầm là rất cao.
Trên địa bàn TP Quy Nhơn, hoạt động mua bán, giết mổ gia cầm sống vẫn diễn ra tại khu vực xung quanh chợ Đầm (phường Đống Đa) bất chấp lệnh cấm. Vấn nạn này vừa gây cảnh nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bình Định trong ngày 31.10, khu vực xung quanh chợ đầu mối này trên đường Hoàng Hoa Thám vẫn còn nhiều hộ hành nghề buôn bán, giết mổ gia cầm sống không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh. Gà, vịt sau khi được giết mổ nằm lăn lóc trên nền xi măng, lông gà, lông vịt bay vương vãi, nước thải đổ bừa bãi trên vỉa hè, lòng đường.
Theo ông Đoàn Quang Khải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Quy Nhơn, để chấm dứt việc mua bán, giết mổ gia cầm sống tại khu vực xung quanh chợ Đầm, thành phố đã có chính sách hỗ trợ các hộ di dời lên chợ Dinh (phường Nhơn Bình) để hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng lén lút mua bán gia cầm sống, giết mổ gia cầm tại đây vẫn còn. Hiện tại, vẫn còn 6 hộ làm nghề giết mổ gia cầm sống trên vỉa hè dọc theo tuyến đường Hoàng Hoa Thám.
Còn trên đường Võ Lai (phường Ngô Mây), gần chợ Khu 6 vẫn còn tình trạng mua bán gia cầm sống trên vỉa hè. Ông Trương Quốc Bảo, Phó Ban quản lý chợ Khu 6, cho biết: “Hộ kinh doanh gia cầm sống trên đường Võ Lai nằm ngoài khu vực quản lý của Ban quản lý chợ, thuộc thẩm quyền xử lý của UBND phường Ngô Mây. Khi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra thì các hộ đưa gia cầm đi cất giấu; sau đó lại đưa ra buôn bán trở lại, rất khó xử lý!”.
Ông Phan Tuấn, Trưởng Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, cho biết từ nay đến cuối năm 2022, thành phố quyết tâm lập lại trật tự đối với việc mua bán, giết mổ gia cầm sống tại các chợ nội thành. UBND TP Quy Nhơn vừa tiến hành củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo và 2 tổ công tác liên ngành kiểm tra, giám sát các hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn thành phố.
“Từ ngày 1.11, các tổ công tác tiến hành ra quân kiểm tra, xử lý việc chấp hành quy định về hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm trong khu vực nội thành; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp không chấp hành chủ trương của nhà nước trong phòng, chống dịch cúm gia cầm”, ông Tuấn khẳng định.
N.QUÍ