Quy Nhơn đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật
Thời gian qua, UBND TP Quy Nhơn đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều lĩnh vực KHCN, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Điểm ghi nhận trong hoạt động ứng dụng KH&CN mấy năm gần đây là việc UBND TP Quy Nhơn khuyến khích hợp tác phát triển và ứng dụng KH&CN trong sản xuất và đời sống. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển những giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh của địa phương. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện, chính quyền các địa phương, DN tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và trình diễn mô hình áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất thuộc các lĩnh vực khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư...
Trong năm 2022, UBND TP Quy Nhơn đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố triển khai gần 10 mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ KHKT và công nghệ mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả rõ nét, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nổi bật là mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI) theo hướng an toàn, hữu cơ được triển khai ở phường Nhơn Bình, với quy mô 2 ha/22 hộ tham gia. Đến nay, mô hình đã tổng kết, với năng suất lúa đạt 69,8 tạ/ha (lợi nhuận đạt gần 28,5 triệu đồng/ha, cao hơn 2,26 triệu đồng/ha so với diện tích lúa canh tác truyền thống).
Bên cạnh đó, một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi dựa trên cơ sở chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao được triển khai trên địa bàn cũng đem lại những kết quả tích cực. Điển hình như các mô hình: Nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao (bò lai BBB) tại xã Phước Mỹ; chăn nuôi gà thả vườn theo hướng đặc sản ở phường Nhơn Bình; trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP tại xã Phước Mỹ; trồng hoa sen kết hợp thả nuôi cá rô đầu vuông ở phường Nhơn Bình…
Mô hình nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao (bò lai BBB) tại xã Phước Mỹ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: A.N
Cùng với đó, TP Quy Nhơn đã tuyển chọn và phê duyệt thực hiện 2 nhiệm vụ ứng dụng KHCN trong lĩnh vực y tế và khoa học xã hội - nhân văn. Cụ thể, đối với phương pháp phẫu thuật longo được áp dụng cho những bệnh nhân ít có điều kiện kinh tế. Việc ứng dụng kỹ thuật longo tại BVĐK TP Quy Nhơn đã giúp giảm thiểu gánh nặng lên bệnh viện tuyến trên và bệnh nhân có cơ hội được điều trị dễ dàng, không cần phải chuyển viện, sớm trở lại sinh hoạt và lao động, giảm các biến chứng phẫu thuật.
Còn nhiệm vụ ứng dụng giải pháp để phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố do Ban Tuyên giáo Thành ủy Quy Nhơn chủ trì; nhằm cập nhật nguồn tài liệu về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của thành phố trong công tác quản lý nhà nước trên hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và cập nhật trên bản đồ số. Đến nay, các nhiệm vụ này đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ giao nộp sản phẩm để tiến hành đánh giá nghiệm thu cấp thành phố.
Ngoài ra, thành phố còn tập trung đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động: Hỗ trợ các HTX xây dựng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - TP Quy Nhơn ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý lâm nghiệp; xây dựng đề án đầu tư số hóa dữ liệu “Đất đai, quy hoạch xây dựng, hạ tầng đô thị”; hỗ trợ hoạt động của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố; triển khai bệnh án điện tử, khám chữa bệnh từ xa… Thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường ứng dụng KHCN trong việc triển khai truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử tại các chợ; đồng thời, thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị...
Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH&CN, nhận xét: Thời gian đến, TP Quy Nhơn nên cụ thể hóa các mục tiêu, đẩy mạnh các giải pháp KHCN; đổi mới và đột phá về tư duy để cùng với các sở, ngành xác định, khai thác những tiềm năng sẵn có của thành phố. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đổi mới cách thức điều hành, đơn giản hóa thủ tục, lưu ý đến tính ứng dụng của các đề tài để quản lý và triển khai tốt hơn; đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, thẩm định KHCN; rà soát các chính sách pháp luật cho phù hợp...
AN NHIÊN