Đón hàng xóm về trú ngụ trong mưa bão
Nhờ có những người tốt bụng, sẵn sàng mở rộng cửa đón hàng xóm về tá túc, thậm chí lo cả việc ăn uống mà nhiều người có nhà ở tạm bợ dần cởi bỏ tâm lý ngần ngại di dời khỏi nhà để tránh bão mạnh, lũ lớn.
Thương người như thể thương thân
Đêm 11.10, mưa lớn cùng với nước lũ từ núi Vũng Chua đổ về đã làm nhiều khu vực của phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) ngập nặng. Tầm 19 giờ, anh thợ hồ Nguyễn Văn Sinh (SN 1985, ở tổ 6, khu phố 2) ra cửa ngó trời, biết những hộ dân ở khu vực chùa Hòa Đồng đang bị ngập nặng, do anh từng ở khu vực này trước khi di dời lên nơi cao ráo hiện tại. Mặc vội áo mưa vào người, anh nhằm hướng đó đi tới.
Sau gần một tiếng đồng hồ giúp người dân vớt đồ đạc bị trôi, anh đến nhà ông Trịnh Văn Sáu, có cô con dâu mới sinh và một đứa cháu nhỏ. Anh Sinh quyết định lội ngược dòng nước cao hơn ngực ra bên ngoài, mượn cái bồn chứa nước cắt đôi, bỏ ba mẹ con vào rồi nhằm hướng nhà mình mà đẩy tới. Về đến nơi, anh cùng vợ, con lấy quần áo cho họ thay, rồi sưởi ấm cho em bé sơ sinh.
“Tình làng nghĩa xóm mà, tôi từng ở đó nên rành đường sá, thấy họ khó thì tôi giúp thôi, tôi không nghĩ ngợi gì nhiều đâu. Ba mẹ con về nhà tôi ở mấy hôm sau đó, ăn chung với chúng tôi như một gia đình”, anh thợ hồ chân chất cho hay.
Anh Sinh (bìa trái) đến thăm và chuyện trò với các thành viên trong gia đình ông Sáu tối 2.11. Ảnh: N.T
Cũng quãng thời gian đó, thôn Nam Nhạn Tháp (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) di dời gần chục hộ dân để tránh cơn bão lớn. Thôn có 3 xóm, cứ hễ nước lớn là ngay lập tức 3 xóm bị chia cắt hoàn toàn. Các hộ phải di dời đa số có người cao tuổi, khuyết tật, đau bệnh nặng. Đối tượng này, theo lẽ thường, hay có tâm lý “cố thủ”, mặc dù tài sản không có giá trị mấy.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Bí thư kiêm Trưởng thôn Nam Nhạn Tháp, cho biết nhiều hộ trong thôn đã mở lòng, theo các lực lượng chức năng, tham gia ẵm, bế từng người già về nhà mình. “Có lẽ nhờ vậy mà năm nay, công tác vận động người dân di dời rất thuận lợi”, ông Tuấn đánh giá.
Cần lắm những tấm lòng
Các cơn mưa lớn vừa qua đã làm nhiều vùng của khu Đông huyện Tuy Phước ngập nặng. Có điều khác mọi năm, hầu hết người dân đều di dời trong vui vẻ. Không chỉ người thân trong gia đình hay bà con, họ hàng, một số hộ đã nhận người còn đồng ý nhận thêm một vài vật dụng có giá trị.
Theo ông Mai Xuân Hiền, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Tuy Phước, so với việc di dời tập trung, việc tá túc vài hôm ở nhà lân cận làm bà con yên tâm là có thể “để mắt” đến nhà cửa của mình. Các hội, đoàn thể cũng hết sức trách nhiệm khi thường xuyên thăm hỏi tình hình. Cả chủ nhà và người dân di dời đến đều cảm thấy được quan tâm. “Nếu chủ nhà không có điều kiện lo ăn uống thì Hội CTĐ huyện Tuy Phước sẽ tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ bà con. Hết gió mưa, với số người ốm đau, chúng tôi đưa về tận nhà và gửi gạo, nhu yếu phẩm dùng trong vài ngày tới”, ông Hiền cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (SN 1979, chủ tiệm hoa Thanh Hương ở phường Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn) có căn nhà ở đường Trường Chinh, dự tính cho học sinh ở tạm tránh mưa lũ. Chị Thảo quê ở phường Hoài Tân, theo chồng về phường Bồng Sơn. Chị nhớ miết cảnh đi học xa, những ngày mùa đông, tối mịt trời, mưa trút không ngớt, nên cứ thấy “đứt ruột đứt gan” mỗi khi đi đâu về canh tối, dọc đường bắt gặp cảnh các em học sinh gò mình đạp xe trong cơn gió thốc.
“Cứ thấy cảnh đó là tôi chảy nước mắt, chịu không được, rồi tôi nói với chồng, nhà mình không ai ở thì để dành đó, khi học sinh khó khăn cần chỗ ở thì mình giúp. Và anh đã đồng ý với tôi. Nhà tôi hiện tại có một số phòng ngủ khá rộng, đủ cho tầm 10 em đến ở. Em nào nhà xa, mưa gió đi lại khó khăn, không an toàn, hãy liên hệ với tôi qua số điện thoại 0948544349 hoặc 0914216791”, chị Thảo tâm sự.
Là Đội trưởng Đội ứng phó thiên tai, thảm họa của tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội CTĐ tỉnh Lê Phong thời gian qua luôn bám sát tình hình mưa bão, công tác di dời người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Ông đánh giá cao hiệu quả đạt được của việc chính quyền, các hội đoàn thể, các cấp hội CTĐ tích cực vận động hộ dân có nhà ở kiên cố chào đón người cần di dời.
“Trên thực tế, vẫn còn không ít hộ dân ngần ngại việc di dời khỏi nơi ở để tránh bão lũ. Cùng với việc di dời tập trung, việc di dời đến nhà dân lân cận đang thuyết phục được nhiều người. Mong rằng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều tổ chức, cá nhân chung tay, góp sức hỗ trợ chỗ ở cho những người trong diện di dời, nhất là người già, trẻ em, người khuyết tật…”, ông Phong kêu gọi.
NGỌC TÚ