Sáng nay Quốc hội thảo luận dự án Luật Đất đai sửa đổi
Sáng 3.11, đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tổ, góp ý xây dựng dự Luật Đất đai sửa đổi với hàng loạt chính sách mới trong thu hồi, xác định giá đất...
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật đã nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự luật cũng hoàn thiện quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất; quy định cụ thể thẩm quyền, mục đích, phạm vi, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...
Đường Lê Văn Lương tại Hà Nội tháng 7.2022. Ảnh: Ngọc Thành
Chính phủ xác định, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư. Giá đất phải xác định theo nguyên tắc thị trường, song song với cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và HĐND trong việc xây dựng bảng giá đất.
Dự thảo đề xuất áp dụng mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang; xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; đồng thời có chế tài ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan thẩm tra đánh giá, đây là dự án luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, nên yêu cầu Chính phủ làm rõ điều kiện trưng dụng, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cần tách bạch mục đích kinh tế đơn thuần, tránh bị lạm dụng, gây bức xúc cho người sử dụng đất, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.
Về nguyên tắc bồi thường khi thu hồi đất, Điều 97 dự thảo quy định "Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ". Ủy ban Kinh tế cho rằng nguyên tắc này cần được định lượng cụ thể, có hướng dẫn chi tiết; có cơ chế và phân công trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thi hành nguyên tắc này để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị ban soạn thảo quy định hạn chế việc giao đất, cho thuê đất không đấu giá, đấu thầu; nghiên cứu quy định hình thức giao đất, cho thuê đất trong trường hợp chấp thuận nhà đầu tư; bổ sung đối tượng giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất là các công trình văn hóa, di tích lịch sử, di sản văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Dự thảo Luật quy định một trong các nguyên tắc định giá đất là "phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ định nghĩa giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường là gì, đồng thời quy định rõ phương pháp định giá đất và trường hợp áp dụng cụ thể.
Dự án luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình ba kỳ họp. Ngày 14.11, dự luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại hội trường.
(Theo SƠN HÀ/VnE)