Liên hợp quốc thảo luận dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba
Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 2.11 đã bắt đầu phiên thảo luận hai ngày về dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận đối với Cuba.
Dự thảo nghị quyết được thảo luận có tên gọi "Sự cần thiết của việc chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt đối với Cuba". Đại diện các nước Venezuela, Nga, Trung Quốc và Bolivia cũng như các tổ chức chính trị và xã hội bao gồm Phong trào không liên kết, ASEAN, Tổ chức hợp tác Hồi giáo, Cộng đồng Caribe và Nhóm G77 và Trung Quốc (G77+China) đã phát biểu ủng hộ Cuba và người dân nước này.
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel. (Ảnh: AP)
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel nhấn mạnh, Cuba sẽ không từ bỏ cuộc chiến chống lại lệnh cấm vận vì điều này là bất hợp pháp, không công bằng và vô nhân đạo. Theo Chủ tịch Cuba, lệnh cấm vận đe dọa sự phát triển của Cuba và đi ngược lại tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc.
18 cựu lãnh đạo các nước Mỹ La tinh và Caribe ngày 1.11 đã viết thư gửi Tổng thống Biden kêu gọi Mỹ dỡ bỏ cấm vận Cuba trong bối cảnh quốc đảo này bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Ian vừa qua. Ngoài nội dung trên, bức thư cũng đề nghị Tổng thống Biden đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố. Các đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh Cuba đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và năng lượng tồi tệ nhất vốn trở nên trầm trọng hơn sau cơn bão Ian hồi cuối tháng 9 vừa qua.
Được áp đặt từ năm 1962, lệnh cấm vận của Mỹ hạn chế Cuba tiếp cận nhiều loại hàng hóa cũng như viện trợ quốc tế và các nguồn tài chính. Giới chức Cuba cho biết các hạn chế này đã khiến nước này gặp khó khăn trong việc khắc phục hậu quả cơn bão Ian vốn đã làm hư hỏng 14 nghìn ngôi nhà và gây thiệt hại về dài hạn cho mạng lưới điện của Cuba.
Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã nới lỏng nhiều biện pháp trừng phạt đối với Cuba tuy nhiên điều này đã bị đảo ngược dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Chính quyền ông Trump đã đưa Cuba trở lại danh sách các nước bảo trợ khủng bố sau khi nước này từ chối dẫn độ 10 lãnh đạo của phong trào du kích lớn nhất Colombia là Quân đội giải phóng dân tộc Colombia.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã nới lỏng một số hạn chế đối với Cuba và mới đây cũng đã có một số cử chỉ thân thiện bao gồm việc viện trợ khẩn cấp 2 triệu đô la nhằm giúp Cuba khắc phục hậu quả cơn bão Ian./.
(Theo Phạm Huân/VOV-Washington)