Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), hỗ trợ nhà ở cho đối tượng chính sách cần sát hơn với thực tiễn
(BĐ) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 3.11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể về các điều trong dự thảo Luật, đồng thời phản ánh thêm tình hình thực tế khó khăn, bất cập có liên quan đến lĩnh vực đất đai ở địa phương.
Theo ĐB Hạnh, trong dự thảo Luật, cần quan tâm đến việc tính toán giá đất, trong đó có giá bồi thường cho người dân có đất bị thu hồi và giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án. Đối với nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 97 Chương VII), đề nghị quy định: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” phải được cụ thể hóa bằng những điều luật cụ thể hơn.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong phiên thảo luận tổ sáng 3.11. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Theo ĐB Hạnh, để đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, trước hết cần xem xét lại việc bồi thường tính theo giá đất do Nhà nước ban hành theo từng loại đất ở thời điểm thu hồi đất đã phù hợp hay chưa. Bởi khi bồi thường thì xác định giá đất tại thời điểm thu hồi đất, nhưng sau khi thu hồi xong, dự án đầu tư hoàn thiện thì giá đất cao hơn nhiều, nên người dân so sánh, cảm thấy việc mình được bồi thường giá đất trước đó là chưa thỏa đáng... ĐB Hạnh kiến nghị tính toán giá đất nên căn cứ vào khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở khu vực đó như thế nào cho phù hợp hơn.
Về quy định “Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi...”, ĐB Hạnh cho rằng, việc áp dụng chưa phù hợp với thực tiễn và khó đảm bảo sự đồng thuận của người dân. Thực tế, có nhiều trường hợp cử tri phản ánh, nếu thu hồi đất để thực hiện các công trình công cộng hay phục vụ lợi ích của người dân thì người dân sẽ không phân vân nhiều, nhưng trường hợp làm các dự án khu dân cư, thu hồi và bồi thường đất không thỏa đáng, không có chính sách tái định cư tại chỗ thì người dân cảm thấy thiệt thòi. “Làm sao để người dân có chỗ ở bằng hoặc tốt hơn thì phải ưu tiên tái định cư tại chỗ hoặc ưu tiên các diện tích đất có vị trí tốt nhất ở các khu tái định cư, khu dân cư hiện hữu thì quyền lợi người dân mới đảm bảo”, ĐB Hạnh nêu ý kiến.
Về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Điều 160 Chương XI), ĐB Hạnh nêu vấn đề trong trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất là giá trúng đấu thầu thì cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn. Điều này xuất phát từ thực tiễn thời điểm này đất chưa giải phóng mặt bằng, chưa có cơ sở đầy đủ, chính xác để xác định giá khởi điểm trong phương án đấu thầu sau khi đấu thầu thành công, nhiều dự án có thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm. Thời điểm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư có thể có nhiều yếu tố thay đổi so với phương án đấu thầu ban đầu nên trong dự thảo Luật cần có quy định cụ thể để đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho ngân sách Nhà nước, đồng thời cũng đảm bảo cho các nhà đầu tư thuận lợi thực hiện dự án.
Qua thực tiễn, có nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện và sai phạm lĩnh vực đất đai rơi vào việc tính giá đất, điều này đòi hỏi việc quản lý nhà nước về đất đai cần được siết chặt hơn. Hiện trong dự thảo Luật chỉ mới nêu chung chung “Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai” (Điều 30 Chương II). ĐB Hạnh cho rằng, trong quản lý đất đai có rất nhiều lĩnh vực, cần cụ thể hóa trách nhiệm với các Bộ chuyên ngành khác cũng liên quan đến quản lý về đất đai như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng... cùng tham gia với Bộ TN&MT thì chuyên môn hóa tốt hơn, thống nhất hơn, đồng bộ hơn, việc tham mưu cho Chính phủ về quản lý đất đai thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, ĐB Hạnh cũng đóng góp ý kiến về nguyên tắc sử dụng đất có hiệu quả, bảo vệ đất, bảo vệ môi trường cần có các điều luật quy định phải rõ hơn; về phân loại đất còn chưa đề cập đến các loại hình đất đai trong thực tiễn nảy sinh các vấn đề người dân thường hay khiếu kiện, khiếu nại, và trong các nghị định hướng dẫn có liên quan cũng có nêu các loại đất này, như đất khai hoang, đất vườn ao, đất lấn biển... nên cần được bổ sung, quy định cụ thể hơn; cùng những khó khăn trong việc tách thửa đất, hợp thửa chưa phù hợp với điều kiện thực tế của người dân ở các địa phương cùng cần được xem xét....
Chiều 3.11, Quốc hội tiến hành Phiên họp Chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng. Tham gia chất vấn, ĐB Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh hỗ trợ phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách là chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước ta, được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hỗ trợ phát triển nhà trong những năm qua. Tuy nhiên, với tình trạng tăng giá vật liệu xây dựng, nhân công như hiện nay, mức hỗ trợ của các chương trình phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách sẽ nhanh chóng bị lỗi thời, khó đáp ứng phù hợp và hiệu quả nhu cầu. Từ đó, đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết hướng giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, trong Phiên họp Chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng chiều 3.11. Ảnh: quochoi.vn
Trả lời câu hỏi của ĐB Cảnh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian qua các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, các hộ nghèo khu vực nông thôn, hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lũ ở khu vực miền Trung đã được triển khai đạt hiệu quả cao, tuy nhiên thời gian qua gặp phải vấn đề hạn chế như ĐB Cảnh nêu. Bộ Xây dựng đã tổng hợp từ các địa phương tổng kết những chương trình hỗ trợ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được chỉ đạo giao Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương để xây dựng chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng người có công, người nghèo đảm bảo đáp ứng yêu cầu. Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo chính sách, theo hướng tăng lên mức hỗ trợ cho các đối tượng này so với giai đoạn trước, cụ thể là tăng mức hỗ trợ xây mới nhà ở cho người có công là 60 triệu đồng/hộ (trước đây là 40 triệu đồng), sửa chữa, cải tạo nhà ở là 30 triệu đồng/hộ (trước đây là 20 triệu đồng), sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong giai đoạn tới.
HOÀI THU