Bảo vệ các di tích, phế tích sau khai quật: Còn nhiều khó khăn
Bình Ðịnh rất quan tâm đến công tác khai quật khảo cổ học tại nhiều di tích, phế tích. Nhờ đó, đã phát hiện nhiều di vật, hiện vật có giá trị phục vụ nghiên cứu, bảo tồn. Tuy nhiên, công tác bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, phế tích sau khai quật khảo cổ còn gặp nhiều khó khăn.
Các nhà khảo cổ học khảo sát, thống kê tỉnh Bình Định hiện có 43 điểm di tích, phế tích có giá trị khảo cổ học. Nhiều năm qua, tỉnh ta đã tổ chức nhiều đợt khai quật khảo cổ tại các di tích, phế tích, như: Động Cườm, lò gốm cổ Gò Sành, Thành Hoàng Đế (thành Đồ Bàn); các phế tích tháp Chăm, như: Tháp Mẫm, Lai Nghi, Xuân Mỹ… Gần đây nhất là 3 lần khai quật khảo cổ tại phế tích Châu Thành được tiến hành từ năm 2020 - 2022. Các đợt khai quật khảo cổ học đã phát hiện được nhiều hiện vật có giá trị, góp phần làm sáng rõ hơn về lịch sử hình thành, phát triển của các giai đoạn lịch sử, văn hóa Sa Huỳnh, Champa trên đất Bình Định.
Di tích khảo cổ hồ bán nguyệt trong Thành Hoàng Đế được xây dựng mái che. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: “Do nhiều nguyên nhân, điều kiện còn hạn hẹp nên phần lớn các di tích, phế tích sau khai quật khảo cổ chưa được quản lý, bảo vệ tương xứng với giá trị, chưa phát huy được nhiều giá trị của các phát hiện vào thực tế. Ở tỉnh ta, mới chỉ có 1 điểm khai quật khảo cổ có mái che bảo vệ, đó là hồ bán nguyệt trong Tử Cấm Thành trong di tích Thành Hoàng Đế. Còn lại sau khai quật khảo cổ học đều phải lấp hố khai quật, trừ một vài trường hợp cần giữ nguyên hiện trạng hố khai quật để phục vụ cho giai đoạn nghiên cứu kế tiếp như phế tích Châu Thành”.
Theo các chuyên gia khảo cổ học, việc bảo vệ các di tích, phế tích khảo cổ học trước và sau khai quật như thế nào vẫn là vấn đề nan giải. Giải pháp đầu tiên được áp dụng phổ biến là lấp hố khai quật sẽ bảo tồn nguyên vẹn được di tích, phế tích dưới lòng đất, tránh được tác động của môi trường và con người, nhưng hạn chế lớn là không có điều kiện trưng bày, quảng bá giá trị di tích, phế tích.
TS Lê Đình Phụng, Ủy viên Hội Khảo cổ học Việt Nam - người gắn bó trực tiếp, chủ trì nhiều cuộc khai quật khảo cổ tại các di tích, phế tích ở Bình Định, tiếc rẻ: Những di tích, phế tích sau khai quật khảo cổ là “tài nguyên nằm dưới lòng đất”; là những nhà khoa học đã có nhiều năm gắn bó với tỉnh Bình Định, chúng tôi tha thiết đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các di tích, phế tích này. Nếu các di tích, phế tích sau khai quật khảo cổ được đầu tư xây dựng bằng mái che để bảo vệ quần thể di tích, phế tích nằm dưới lòng đất sẽ phát huy giá trị lâu dài, những nơi này có thể trở thành điểm du lịch, động viên các thế hệ kế tiếp tiếp nối việc tìm hiểu, nghiên cứu các trầm tích văn hóa, lịch sử của quê hương Bình Định.
Theo quy định về thăm dò, khai quật khảo cổ do Bộ VH-TT&DL ban hành, cơ quan quản lý trực tiếp địa điểm khảo cổ chịu trách nhiệm xây dựng phương án bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị địa điểm khảo cổ đã được thăm dò, khai quật. Nếu xét thấy địa điểm khảo cổ có đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa thì tổ chức lập hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng di tích khảo cổ theo quy định. Theo đó đến nay, tỉnh ta có một số di tích, phế tích khai quật khảo cổ được xếp hạng di tích, như: Động Cườm (TX Hoài Nhơn), Thành Cha, lò gốm cổ Gò Sành (TX An Nhơn), khu lò gốm cổ Gò Hời (huyện Tây Sơn)…
Ông Bùi Tĩnh cho biết thêm: Cùng với việc rà soát để lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích khảo cổ, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân bảo vệ các di tích, phế tích sau khai quật khảo cổ, chúng tôi sẽ có kế hoạch đề nghị khai quật khảo cổ nghiên cứu các phế tích liên quan trong nền văn hóa Champa ở Bình Định, trong năm 2023 sẽ đề nghị khai quật khảo cổ học phế tích Đại Hữu (xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát)...
ĐOÀN NGỌC NHUẬN