Hội nghị phổ biến Luật tiếp công dân
(BĐ)- Sáng 16.7, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến Luật tiếp công dân năm 2013 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn, giai đoạn 2013-2016” trên địa bàn tỉnh. Dự hội nghị có bà Nguyễn Thanh Thụy, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và lãnh đạo HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Luật Tiếp công dân năm 2013 có 9 chương với 36 điều, lần đầu tiên được ban hành đã quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân và quyền, nghĩa vụ của cán bộ tiếp công dân. Đáng chú ý nhất trong nội dung này là công dân được ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác thay mặt mình thực hiện quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật và cán bộ tiếp công dân phải có nghĩa vụ hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết. Luật cũng quy định trách nhiệm chung của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp công dân; trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng các bộ, ngành Trung ương và các sở, ngành địa phương, của Chủ tịch UBND các cấp; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do Ban tiếp công dân chuyển đến. Một điểm được đánh giá cao trong Luật Tiếp công dân là đã quy định trách nhiệm tiếp công dân, xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung bởi khiếu nại, tố cáo đông người là vấn đề đã và đang diễn ra hết sức phức tạp.
K.ANH