Ngăn chặn nhiều vụ gian lận, lừa đảo khách hàng
Thời gian qua, ở tỉnh ta xảy ra một số vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chuyển tiền qua mạng đánh vào tâm lý cả tin, ít quan tâm đến vấn đề bảo mật tài khoản của người dân. Trước thực trạng đó, các ngân hàng đã chủ động hỗ trợ khách hàng nâng cao cảnh giác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều hành vi lừa đảo.
Agribank chi nhánh Phù Cát tư vấn, hướng dẫn người dân thực hiện các giao dịch tín dụng. Ảnh: TIẾN SỸ
Giao dịch viên Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - chi nhánh TP Quy Nhơn (Agribank Quy Nhơn) Trương Thị Thùy Phương kể: Cách đây không lâu, chị B.T.H.T. ở TP Quy Nhơn đến ngân hàng yêu cầu tất toán trước kỳ hạn 4 sổ tiết kiệm trị giá 320 triệu đồng để chuyển cho một đối tượng lạ có tài khoản tại một ngân hàng khác. Thấy khách hàng yêu cầu tất toán cùng lúc nhiều sổ tiết kiệm trước kỳ hạn trong tâm trạng buồn phiền, lo lắng, tôi đã trao đổi, dò hỏi. Chị T. cho biết, có một người xưng là cán bộ của Bộ CA đang điều tra một vụ việc quan trọng, liên tục điện thoại yêu cầu chị khai báo số căn cước công dân, các sổ tiết kiệm và phải chuyển toàn bộ số tiền theo yêu cầu để phục vụ công tác điều tra. Ngay khi chị Phương đang hỏi thăm chị T., đối tượng lạ tiếp tục gọi điện hối thúc. Nghi ngờ đây là chiêu thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tôi xin được nghe điện thoại của chị T., và nói với người phía đầu dây bên kia rằng, đang trực tiếp báo cáo vụ việc cho CA tỉnh, đối tượng lập tức cúp máy. Nhận diện được mình bị lừa, may mắn không bị mất tài sản, chị T. thở phào cảm ơn chúng tôi rất nhiều.
Trưa 21.10.2022, bà T.T.Y. (xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân) đến Agirbank Hoài Ân để chuyển 10 triệu đồng cho con đang sinh sống, học tập ở nước ngoài. Trong quá trình giao dịch, nhân viên ngân hàng Bùi Hoàng Ly có trao đổi, hỏi thăm và được biết khách hàng chuyển tiền cho con trai tên H.V.N., nhưng người nhận tiền lại là N.V.H và có tài khoản tại VietBank. Đáng chú ý là thời điểm nói trên, đối tượng nghi lừa đảo sử dụng tài khoản Facebook của con trai bà Y. liên tục nhắn tin hối thúc bà Y. chuyển tiền. Nghi ngờ đây là một vụ chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook để lừa đảo, nhân viên ngân hàng đã thuyết phục bà Y. ngừng chuyển tiền, đồng thời xin phép sử dụng tài khoản facebook của khách hàng để gọi điện nhưng không nhận được phản hồi từ bên tài khoản đó. Từ những dấu hiệu bất thường nói trên, bà Y. đã từ bỏ ý định chuyển tiền và vui mừng cảm ơn ngân hàng.
Tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đang có xu hướng gia tăng. Đối tượng lừa đảo thường giả danh CA, cán bộ viện kiểm sát gọi điện thông báo vi phạm, yêu cầu khách hàng chuyển tiền theo hướng dẫn để chiếm đoạt.
Có trường hợp giả danh doanh nhân thành đạt đang sống độc thân ở nước ngoài, kết bạn với phụ nữ trên mạng xã hội. Khi biết đối phương đã “cắn câu”, đối tượng nhắn tin thông báo gửi tặng một món quà có giá trị lớn, nhưng bị cơ quan Hải quan chặn lại, cần một số tiền để “lót tay”, để chiếm đoạt tài sản. Cũng có nhiều đối tượng gửi đường dẫn thanh toán giả mạo và yêu cầu chuyển cọc trước sau đó chiếm đoạt tiền cọc.
Một chiêu thức khác là đối tượng lừa đảo chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook, Zalo sau đó nhắn tin hỏi mượn tiền bạn bè qua số tài khoản không chính chủ… Tất cả thủ đoạn nói trên đã được ngân hàng thông tin đến khách hàng và đã giúp nhiều khách hàng tránh được những rủi ro không đáng có. Tuy nhiên, vẫn có không ít người bị sập bẫy, khi nhờ ngân hàng hủy lệnh chuyển tiền thì đã muộn.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, cho biết: Ngân hàng tiếp tục gia tăng các dịch vụ ngân hàng số với nhiều tiện ích, tăng cường quản trị rủi ro, bảo vệ thông tin của khách hàng; đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ, khen thưởng kịp thời cho cán bộ, nhân viên ngăn chặn được các vụ gian lận, lừa đảo khách hàng. Agribank Bình Định cũng khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác, không nạp tiền, chuyển khoản cho người lạ; không cung cấp mật khẩu, số thẻ, mã PIN, mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả cán bộ ngân hàng.
PHẠM TIẾN SỸ