Chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời sạt lở đê sông
Nhờ chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là chống sạt lở đê sông theo phương châm “4 tại chỗ”, thiệt hại do mưa lũ gây ra đã được giảm thiểu trên địa bàn huyện Tây Sơn. Tuy nhiên, bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp và khó lường đòi hỏi chính quyền địa phương phải chủ động hơn nữa trong công tác này nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Theo ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, trước mùa mưa lũ hằng năm, huyện đều chủ động kiểm tra, đánh giá an toàn các công trình thủy lợi. Đồng thời, bố trí trước địa điểm di dời dân trong các trường hợp cần thiết; cắm biển báo vùng có nguy cơ sạt lở để người dân chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, huyện cũng bố trí kinh phí, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống chi tiết cho những vùng trọng điểm, vùng xung yếu về sạt lở đê sông.
Bờ hữu sông Quéo (phía hạ lưu cầu Cao, thuộc thôn Trường Định 1, xã Bình Hòa) đã được gia cố để phòng, tránh hiện tượng sạt lở tiếp diễn. Ảnh: H.P
Với địa hình tự nhiên có sông Côn chảy qua hàng chục cây số, cùng nhiều nhánh sông, suối, trong mùa mưa lũ năm nay đã xảy ra tình trạng sụt lún, sạt lở ở một số vị trí. Ông Đào Văn Sang, Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa, cho biết: “Ðê sông Quéo đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiêu, thoát lũ và dẫn nước phục vụ tưới tiêu, đồng thời cũng là “tấm lá chắn” ngăn nước tràn vào khu dân cư. Trong các đợt mưa lũ từ năm 2021 đến nay, bờ sông Quéo (bờ hữu, phía hạ lưu cầu Cao, thuộc thôn Trường Định 1) đã sạt lở với chiều dài hơn 40 m. Tuy đã được gia cố tạm thời, nhưng chính quyền và người dân rất lo lắng nếu có lũ lớn, đê sông không đảm bảo thoát lũ, gây ngập lụt trên diện rộng”.
Theo ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, ngoài vị trí bờ sông Quéo ở xã Bình Hòa, các vị trí như mương tiêu Suối Đục đồng Chà Gi (xã Bình Thuận) và kè sông Côn (xã Tây Vinh) cũng xảy ra hiện tượng sạt lở, sụt lún mái. Ngay khi phát hiện các vụ việc này, huyện đã cấp kinh phí để mua sắm vật tư và gia cố để phòng, tránh hiện tượng sạt lở, sụt lún tiếp diễn.
“Dự án Khắc phục hậu quả thiên tai năm 2021 trên địa bàn huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và Vân Canh đã khởi công sẽ tiến hành xây kè kiên cố ở bờ hữu sông Côn với tổng chiều dài hơn 1,9 km tại hai xã Tây Thuận và Bình Tường. Khi công trình này được hoàn thành vào năm 2023 sẽ góp phần giảm thiểu nỗi lo về sạt lở đê sông Côn của chính quyền và người dân hai địa phương này”, ông An nói.
Hiện tượng bờ các sông trên địa bàn huyện Tây Sơn sạt lở lâu nay đã trở thành nỗi lo thường xuyên của người dân, nhất là vào mùa mưa bão. Mặc dù huyện đã có nhiều nỗ lực trong việc kiên cố hóa các tuyến đê sông, nhưng nguồn kinh phí có hạn nên xây dựng chỗ này thì chỗ khác hư hỏng. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, không kể các đoạn sông, suối nhỏ, riêng hệ thống đê sông Côn, tỷ lệ kè được kiên cố hóa chỉ đạt khoảng 30%. Ở các khu vực chưa có kinh phí đầu tư xây dựng, chính quyền và người dân đã tiến hành các giải pháp gia cố và trồng cây để giữ đất, hạn chế nạn xâm thực, xói lở và di dời dân lên khu vực an toàn mỗi khi lũ lớn đổ về. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tạm thời.
Nói về giải pháp lâu dài, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng cho biết thêm: “Huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban liên quan xem xét, tính toán phương án hỗ trợ người dân di dời đến nơi ở mới an toàn. Đồng thời, nỗ lực tìm kiếm kinh phí để xây dựng các tuyến đê kè theo hướng kiên cố nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản người dân”.
HỒNG PHÚC