Dự kiến tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 7,5-8,2%
Trong 10 tháng năm 2022, nền kinh tế tăng trưởng lạc quan dù ngoại cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Đây là động lực để thúc đẩy tăng trưởng quý IV và cả năm 2022 bật tăng mạnh mẽ, đưa GDP năm 2022 đạt từ 7,5-8,2%.
Tăng trưởng kinh tế 10 tháng lạc quan
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, kinh tế trong 10 tháng có nhiều điểm sáng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP 3 quý năm 2022. Trong đó, xuất nhập khẩu (XNK), đầu tư nước ngoài, sản xuất công nghiệp, sản xuất dịch vụ... tiếp tục là bức tranh có nhiều gam sáng, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô.
Xuất khẩu của ngành dệt may và da giày tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Ảnh: K.V
Đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho thấy, trong 10 tháng qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi khá tích cực. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; hoạt động khai thác thủy sản trong tháng bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi, nhưng tiếp tục phục hồi trở lại , bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
“Sản xuất công nghiệp (CN) phục hồi khá. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó CN chế biến, chế tạo tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,1%), một số ngành CN xuất khẩu (XK) chủ lực phục hồi khá như dệt may, da giày, chế biến gỗ…” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.
Trong 10 tháng qua, vốn FDI thực hiện tiếp tục tích cực, đạt 17,45 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, góp phần giảm áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong ngắn hạn, đồng thời giúp gia tăng năng lực sản xuất mới của nền kinh tế trong thời gian tới. Đặc biệt, trong 10 tháng qua, nước ta cơ bản giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động thích ứng với những biến động nhanh và mạnh hơn của thị trường quốc tế; điều hành tỉ giá phù hợp diễn biến thị trường, bảo đảm nhu cầu ngoại tệ trong nước, duy trì dư địa điều hành, tiếp tục củng cố niềm tin thị trường, tránh áp lực dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng nêu rõ, đáng chú ý là trong 10 tháng năm 2022, thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi, nhất là sức cầu trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng ước tăng 20,2%, loại trừ yếu tố giá tăng 16,1%.
“Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh, khách quốc tế 10 tháng đạt gần 2,4 triệu lượt, gấp 18,8 lần cùng kỳ năm 2021. Bức danh du lịch, thương mại đang khởi sắc trên cả nước” - bà Hương nói.
Là “đầu tàu” của cả nước, nền kinh tế Thủ đô cũng phát triển ấn tượng. Trong lĩnh vực bán lẻ, lũy kế 10 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội đạt 567,5 nghìn tỉ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 364,3 nghìn tỉ đồng, chiếm 64,2% tổng mức trên.
Theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), mới đây, Malaysia đã trở thành thành viên thứ 9 phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc Malaysia phê chuẩn CPTPP sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định khi XK sang nước này kể từ ngày 29.11.2022.
Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022 của Bộ Công Thương, kim ngạch XK hàng hóa cả năm dự báo sẽ vượt mục tiêu Chính phủ giao. Như vậy, đây sẽ là năm thứ 7 Việt Nam xuất siêu.
Ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam nêu ý kiến: “Kim ngạch XNK 10 tháng đạt gần 616,24 tỉ USD, tăng 14,1%; trong đó xuất khẩu (XK) tăng 15,9%, nhập khẩu (NK) tăng 12,2%. Tính chung 10 tháng xuất siêu 9,4 tỉ USD là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế 10 tháng qua, dù bối cảnh thế giới nhiều bất lợi...”.
Lạc quan mục tiêu tăng trưởng 7,5-8,2%
Với những điểm sáng kinh tế đáng chú ý nêu trên, mức tăng trưởng GDP năm 2022 được các tổ chức quốc tế dự báo ở mức khá lạc quan, ở mức từ 7,5-8,2%. Trong đó, Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19 (đứng thứ 8 thế giới).
Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định.
Theo Bộ Tài chính, việc Moody’s nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2 phản ánh đánh giá của tổ chức này về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các “cú sốc” lớn từ yếu tố bên ngoài tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết, trong báo cáo tham mưu với Chính phủ, Bộ KHĐT đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng của GDP nước ta trong quý 4 cũng như cả năm 2022.
Ở kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8%, quý 4 cần đạt mức tăng trưởng là 5,9%, thấp hơn Nghị quyết số 01/NQ-CP 0,3 điểm %, nhưng cao hơn tốc độ tăng của quý 4 năm 2021 (5,22%). Ở kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8,2%, quý 4 cần đạt mức tăng trưởng là 6,6%, trong kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,2%-6,7%), tương đương mức tăng trưởng bình quân quý 4 các năm 2016-2020.
(Theo PHONG NGUYÊN/LĐO)