Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Định chất vấn nhiều vấn đề về lĩnh vực thông tin và truyền thông
(BĐ) - Sáng 4.11, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với lĩnh vực xây dựng, thông tin và truyền thông.
Đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh đã tranh luận với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về các biện pháp đảm bảo các DN công nghệ số hoạt động tốt.
ĐB Lý Tiết Hạnh tham gia tranh luận về lĩnh vực thông tin, truyền thông. Ảnh: Quochoi.vn
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ TT&TT có đề cập đến phát triển DN công nghệ số với kỳ vọng thúc đẩy việc giải quyết các bài toán khó đang đặt ra. Tuy nhiên, qua báo cáo của Bộ trưởng, những bài toán khó ấy lại đang nằm ở đầu tư hạ tầng kinh tế số, tập trung ở những địa bàn khó như vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và ở các lĩnh vực khó như là đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục. Trong khi đó, nhiều quy định pháp lý đối với loại hình DN công nghệ số chưa rõ định mức; đơn giá đầu tư chuyển đổi số trong lĩnh vực thông tin, truyền thông hiện chưa được ban hành.
“Vậy Bộ trưởng sẽ có biện pháp nào để đảm bảo các DN công nghệ số hoạt động tốt và Bộ trưởng có cam kết thực hiện hoàn thành được các chương trình đề ra hay không? Trong bối cảnh này, có nên đầu tư nguồn lực cho chương trình chuyển đổi số quốc gia như một chương trình mục tiêu quốc gia hay không và có cần ban hành định mức đơn giá trong đầu tư chuyển đổi số trong lĩnh vực thông tin, truyền thông hay không?”, ĐB Hạnh đặt vấn đề.
Trả lời tranh luận của ĐB Hạnh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thông tin: Trung bình đầu tư về chuyển đổi số, công nghệ thông tin trên thế giới hiện nay gần 2%. Những nước đi đầu về chuyển đổi số, công nghệ thông tin như Hàn Quốc, Singapore đã đạt đến 4%. Năm 2021, chúng ta mới đạt mức đầu tư khoảng 0,33%.
Bộ trưởng nghĩ rằng rất nên tăng đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu bằng mức trung bình của khu vực ASEAN là 1%, nhất là đầu tư cho vùng miền núi, lĩnh vực giáo dục.
Đầu tư là vấn đề xã hội, do thị trường quyết định, còn Nhà nước lại liên quan đến định mức. Đến thời điểm này, Bộ đã ban hành rất nhiều định mức, cơ bản là đủ, nếu có thiếu thì chỉ thiếu một định mức về khảo sát để lập dự án. Tức là, định mức đã được ban hành nhưng khi vận dụng vào bối cảnh cụ thể lại gặp khó khăn.
Hiện nay, hàng quý, Bộ TTT&TT đều tổ chức giao ban với các sở và các đơn vị chuyên trách công nghệ của các bộ. Trong cuộc họp, việc đầu tiên được bàn đến là có những khó khăn, vướng mắc gì trong các thể chế liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin để ưu tiên xử lý. Bộ rất mong các địa phương, những bộ, ngành hoặc những tổ chức gặp khó khăn về vấn đề định mức, các thể chế thì góp ý, phản hồi cho Bộ để điều chỉnh, tháo gỡ.
ĐB Đồng Ngọc Ba đã chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT và gửi đến Bộ trưởng Bộ CA, Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT vấn đề liên quan đến quy định tại Nghị định 59, ngày 5.9.2022 về định danh và xác thực điện tử.
ĐB Đồng Ngọc Ba chất vấn về một quy định tại Nghị định 59 ngày 5.9.2022 về định danh và xác thực điện tử. Ảnh: Quochoi.vn
Khoản 1 Điều 27 của Nghị định quy định chỉ có các tổ chức và DN trong ngành CA thì mới được thực hiện cung cấp các dịch vụ định danh và xác thực điện tử. Đây là một ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư. Có nhiều ý kiến cho rằng quy định này hạn chế quyền tự do đầu tư, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Đầu tư và Hiến pháp. ĐB Ba đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và hướng xử lý đối với quy định này.
Chiều 4.11, trả lời chất vấn của ĐB Ba, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ CA quản lý, Bộ CA sẽ trực tiếp cấp dịch vụ định danh và xác thực. Một khi để đơn vị sự nghiệp hoặc DN tham gia thì cần có điều kiện, do Bộ CA quy định.
Theo Bộ trưởng, xác thực điện tử trên cơ sở dữ liệu dân cư là một phần nhỏ của thị trường xác thực điện tử, do vậy, vẫn đảm bảo tính cạnh tranh theo thị trường ở lĩnh vực xác thực điện tử nói chung.
NGUYỄN MUỘI