Lợi dụng khai thác rừng trồng để triệt hạ rừng tự nhiên
Giữa năm 2022, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh đưa ra đấu giá 46,1 ha rừng trồng keo tại lô 5, khoảnh 6, tiểu khu 191 (ở xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh). Song, trên thực tế trong các lô rừng đấu giá thuộc lô 5 (gồm 5a, 5a1, 5b, 5c, 5d) lại có nhiều diện tích rừng tự nhiên, rừng tái sinh đang bị một số người “mượn” danh khai thác keo để triệt hạ.
Rừng “chảy máu”
Tháng 11.2021, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh (gọi tắt là Ban) và Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Trung bộ và Tây Nguyên phối hợp xây dựng Phương án Thiết kế khai thác gỗ rừng trồng sản xuất năm 2021 (gọi tắt là Phương án) tại lô 5, khoảnh 6, tiểu khu 191, với tổng diện tích 46,1 ha. Năm 2022, Ban đã đấu giá lô rừng sản xuất này và DNTN DV&TM Linh Như trúng thầu khai thác; sau đó, DN này ủy quyền cho Công ty TNHH Thương mại Yên Hoàng (gọi tắt là Công ty Yên Hoàng) khai thác keo đến hết ngày 27.11.2022.
Một cây gỗ rừng lớn bị cưa hạ. Ảnh: C.H
Ngày 25 và 30.10, phóng viên Báo Bình Định ghi nhận thực tế tại khu vực rừng sản xuất thuộc lô 5 do Công ty Yên Hoàng khai thác keo. Vào thời điểm này, phía Công ty không có hoạt động khai thác; chỉ có một nhóm người thực hiện phát rừng, trồng lại cây keo mới tại những vị trí lô rừng đã khai thác.
Theo chỉ dẫn của người dẫn đường, phóng viên tiếp cận khu vực lô 5d, có diện tích khai thác 5,16 ha theo Phương án. Qua xem xét từ bản đồ thiết kế và ghi nhận thực tế ở hiện trường, một phần diện tích là rừng tái sinh đã bị phá, đốt thực bì và được trồng lại cây keo, trong đó có nhiều cây gỗ cà te lớn bị đốn hạ chất ngổn ngang gần bìa rừng. Một vị trí rừng le tái sinh khác (không nằm trong Phương án, tiếp giáp với lô 5d, 5c) cũng đã bị phát trắng, chờ đốt thực bì.
Trong vai một người đi mua keo làm viên nén sinh học, phóng viên trò chuyện với hai người dân. Họ cho biết là ở TX An Khê (tỉnh Gia Lai) về đây làm, được Ban thuê phát những diện tích rừng le này để trồng keo, công giao khoán phát rừng là 10 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, vì tiền công thấp, một số người bỏ về, không làm nữa.
Tiếp đó, tại các lô rừng keo đã được đấu giá (lô 5a, 5b và 5c; có tổng diện tích khai thác theo Phương án là 40,81 ha) có mật độ trồng keo thấp hoặc không có cây keo như trong thiết kế ban đầu; hầu hết là rừng tự nhiên, chưa có dấu hiệu bị tàn phá.
Đáng nói hơn, tại một số đám rừng tự nhiên khác (không nằm trong Phương án, liền kề với các lô rừng đấu giá 5c và 5d) đã có dấu hiệu bị xâm phạm. Nhiều cây gỗ lớn (bằng lăng, lim xẹt…) có đường kính vòng thân bằng 1 người ôm đã bị cưa hạ. Tại hiện trường, dưới gốc cây vẫn còn dấu mùn cưa; nhiều cây rừng, tấm gỗ lớn vứt la liệt.
Cần kiểm tra, làm rõ
Ông Phan Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Yên Hoàng, xác nhận một số diện tích rừng trong Phương án có rừng tự nhiên. Trong quá trình khai thác keo, phát hiện có gần 9 ha là rừng tự nhiên, Công ty đã báo với chủ rừng; đồng thời không cho khai thác bởi những đám rừng này không có cây keo, nếu khai thác không những Công ty sẽ thiệt hại lớn mà còn vi phạm pháp luật.
“Trước đây, tôi làm việc nhiều lần với Ban, họ yêu cầu Công ty khai thác những đám rừng không có keo này. Công ty có yêu cầu Ban làm văn bản thì mới thực hiện, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản cho phép đó”, ông Hoàng cho hay.
Ngày 1.11, kiểm tra thực tế tại lô 5, khoảnh 6, tiểu khu 191, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh Trần Phước Phi xác nhận, một phần diện tích rừng tại lô 5d và rừng le tái sinh tiếp giáp lô 5c, 5d đã bị phát trắng là do Ban thuê người dân làm. Tuy nhiên, diện tích đó nằm trong phương án trồng rừng khác của Ban.
Một đám rừng le tái sinh nằm ngoài Phương án, tiếp giáp với lô 5d, 5c bị phát trắng. Ảnh: C.H
Cũng theo ông Phi, thời gian tới, Ban sẽ phối hợp với Phân viện thực hiện đo lại phần diện tích rừng tự nhiên “xuất hiện” trong Phương án. Sau đó, Ban sẽ có thông tin phản hồi cho Công ty Yên Hoàng và Báo Bình Định.
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh Đặng Bá Quang, đối với phần diện tích rừng tự nhiên nằm trong Phương án, Hạt đề nghị Ban tạm thời không tác động. Ban cần phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế rừng đo lại những diện tích rừng tự nhiên trên và làm báo cáo hiện trạng.
“Tình trạng xâm hại cây rừng tại một số đám rừng tự nhiên nằm ngoài Phương án là hành vi vi phạm pháp luật. Hạt Kiểm lâm huyện đề nghị chủ rừng sớm kiểm tra, làm rõ, báo cáo lại cho Hạt. Đồng thời, tăng cường lực lượng bảo vệ, đề ra những biện pháp quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn”, ông Quang nói.
CHƯƠNG HIẾU