Học nghề và khởi nghiệp
Đầu tháng 11.2022, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp và tư vấn, giới thiệu việc làm năm 2022. Trọng tâm của Ngày hội là Hội thảo khởi nghiệp, giới thiệu việc làm. Tại đây, ban tổ chức, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp thành công đã gửi gắm đến học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp nhiều thông điệp quý.
Xây dựng thái độ đúng đắn
Bàn về định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên (HSSV), ông Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định cho rằng, ưu điểm nổi trội của HSSV hiện nay là sự ham học hỏi, thái độ tốt, tính thích nghi cao, tích cực rèn luyện kỹ năng và ngoại ngữ, khả năng nắm bắt xu hướng công nghệ, có ý tưởng mới.
“Tuy nhiên, điểm yếu của phần lớn các em là còn thụ động về tư duy và thực hành, không đánh giá được năng lực bản thân; thích “công việc hot”, nhẹ nhàng, có xu hướng thích chức danh, chức vụ, chỗ làm việc sang trọng và thích làm thầy hơn làm thợ. Khả năng làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình chưa cao; năng lực công nghệ thông tin, kỹ năng tin học văn phòng, hiểu biết pháp luật còn hạn chế… Người lao động trẻ trong tất cả ngành nghề, cấp bậc nghề cần chủ động trang bị cho mình kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ nghề nghiệp. Trong đó, thái độ đúng đắn là chìa khóa quan trọng để tạo nên thành công”, ông Hiệu phân tích.
Ông Vũ Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, nói thêm: Trong nhiều buổi tư vấn, hướng nghiệp, các bạn trẻ thường hỏi là ngành, nghề nào sẽ đem lại thu nhập tốt, thu nhập cao. Xã hội ngày nay đánh giá, trả lương cho sự chuyên nghiệp của người lao động. Bạn nỗ lực đạt đến sự chuyên nghiệp thì ở lĩnh vực, ngành, nghề nào cũng sẽ có được thu nhập tốt.
HSSV giáo dục nghề nghiệp tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm, ý tưởng khởi nghiệp của các DN, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: N.M
Đổi mới cách nghĩ, cách làm
Là người đã khởi nghiệp thành công, ông Trần Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sâm Bố Chính Tâm Linh (phường Bình Định, TX An Nhơn) đúc kết: Phải đổi mới từ trong tư duy, bởi vì tư duy không đổi mới thì chắc chắn sẽ không thể “chuyển hóa” trong sự nghiệp sáng tạo thời kỳ 4.0.
Ông kể: “Từ năm 1998 - 2005, tôi liên tục thất bại khi khởi nghiệp với nghề trồng hoa cúc và sản xuất bánh trung thu. Từ các thất bại liên tiếp, tôi nhận ra muốn khởi nghiệp sáng tạo thì phải phát triển tri thức, có tầm nhìn, biết hoạch định rõ ràng để đảm bảo tính khả thi. Nhưng tôi vẫn còn mơ hồ, không biết nên bắt đầu từ đâu, lập kế hoạch ra sao. Dù áp lực, tôi vẫn nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp”.
Năm 2021, tình cờ được một người em tặng cho 7 cây sâm bố chính, ông Tâm đem về trồng thử. Khi cây phát triển tốt, ông nảy sinh ý định khởi nghiệp từ loại cây này. Vậy là ông dành cả một năm tìm hiểu về cây sâm bố chính, rồi mày mò từng bước nhân rộng. Đến nay, ông đã mở rộng thêm diện tích trồng sâm bố chính tại huyện Phù Cát và tỉnh Đắk Lắk. Sản phẩm của Công ty đã bước đầu được thị trường đón nhận.
Nhằm tạo môi trường, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong nhà trường, CLB khởi nghiệp sáng tạo (CiNNO CLUB) của Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ được thành lập. CiNNO CLUB đã có 2 dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo, thanh niên Bình Định lần thứ 2, năm 2022”.
Bà Phạm Thị Cầm, Chủ nhiệm CiNNO CLUB, chia sẻ về một số giải pháp tạo điều kiện, cơ hội cho nhà giáo, HSSV phát huy năng lực, ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp như: Nhà trường tăng cường hợp tác đào tạo, hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên và SV tham gia các khóa học về khởi sự DN; tổ chức cho cán bộ, giáo viên, thành viên của CiNNO CLUB tham gia các lớp bồi dưỡng liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiến lược marketing trong nền kinh tế số. Đồng thời, mở lớp trồng nấm; kỹ thuật nuôi cấy tế bào invitro; trồng cây cảnh, ghép cành… cho các thành viên CLB yêu thích lĩnh vực nông, lâm nghiệp; liên kết DN mở lớp ngắn hạn cho các thành viên yêu thích các lĩnh vực điện tử, ô tô như: Sửa chữa điện thoại di động; lắp ráp các thiết bị định vị, phụ trợ trên ô tô; sơn, sửa chữa thân vỏ ô tô…
Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định, 12 nhóm ngành nghề cần nhiều nhu cầu nhân lực giai đoạn 2022 - 2030 gắn với sự phát triển kinh tế số. Trong đó, dẫn đầu là các nhóm ngành nghề như: Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Hệ thống thông tin quản lý; Công nghệ kỹ thuật Cơ khí, Tự động hóa, Điện - Điện tử, Công nghệ Hàn, Công nghệ Dệt - Sợi - May, Quản lý công nghiệp, Bảo dưỡng công nghiệp; Kiến trúc - Thiết kế…
NGUYỄN MUỘI