Thực hiện tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới:
Mỗi nơi khó một kiểu
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, y tế là một trong những tiêu chí khó đạt. Dù vậy, nhiều địa phương đang nỗ lực tận dụng nguồn đầu tư và tự mình vươn lên khắc phục khó khăn.
Theo hướng dẫn đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí y tế trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được Sở Y tế ban hành ngày 23.6.2014, xã được công nhận đạt tiêu chí y tế khi đáp ứng đủ 2 yêu cầu: xã đạt Tiêu chí quốc gia y tế theo Quyết định 3447/QĐ-BYT ngày 22.9.2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế và tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 70% trở lên.
Chỉ 38/122 xã đạt tiêu chí y tế
Theo số liệu tổng hợp của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tính đến nay, trong số 122 xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh, chỉ có 38 xã đạt tiêu chí thứ 15 về y tế. Trong đó, huyện Phù Cát có 14 xã, huyện Tuy Phước có 5 xã; thị xã An Nhơn và huyện An Lão mỗi địa phương có 4 xã; TP Quy Nhơn, huyện Tây Sơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh mỗi địa phương có 2 xã và huyện Vân Canh có 1 xã.
Đáng chú ý, trong 50 xã đạt 10-15 tiêu chí, có đến 26 xã chưa đạt tiêu chí y tế. Và, y tế là 1 trong 7 tiêu chí có số lượng xã đạt được ở mức thấp (cùng với giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo và môi trường).
Theo bác sĩ Cao Văn Bảy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn, trong các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới ở địa bàn này, ngoài Nhơn Lộc và Nhơn Khánh đã đạt tiêu chí y tế, còn Nhơn Phúc, Nhơn An và Nhơn Phong chưa đạt. “Cả 3 xã này đều đăng ký đạt tiêu chí y tế vào cuối năm 2014, tuy nhiên chỉ Nhơn An có khả năng về đích đúng hạn, cả Nhơn Phúc và Nhơn Phong đều còn khó khăn, nhất là thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã. Ngoài trở ngại về cơ sở vật chất, một số chỉ tiêu chuyên môn của Trạm Y tế (TYT) xã Nhơn Phong cũng chưa đạt”, bác sĩ Bảy cho hay.
Tại huyện Hoài Ân, mới chỉ có Ân Thạnh và Ân Hảo Tây đạt tiêu chí y tế. Diện tích nền của TYT xã Ân Phong là 160m2, TYT xã Ân Tường Tây còn ít hơn, chỉ 110m2, đều không đủ theo quy định. “Trong 2 điều kiện để công nhận đạt tiêu chí y tế đối với xã xây dựng nông thôn mới, điều kiện đạt Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã khó hơn, vì vướng nhiều thứ, nhất là xây dựng cơ bản. Phần lớn địa phương không có “nội lực”, nên việc đầu tư chủ yếu dựa vào cấp trên, không thể muốn là xây là sửa ngay được”, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân Phạm Lập Thành bày tỏ.
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Xây dựng nông thôn mới đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều địa phương. Trong hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các xã vẫn cố gắng dành kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các TYT. Tại TYT xã Nhơn Phúc, khối nhà hành chính chỉ rộng 180m2, còn thiếu đến 70m2 mới đủ chuẩn. “UBND xã đã bố trí kinh phí xong, vài ngày nữa sẽ khởi công xây thêm 2 phòng để đảm bảo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia y tế xã”, bác sĩ Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng TYT xã Nhơn Phúc, cho biết.
Tại TYT xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước), cơ sở vật chất cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Mùa lũ năm ngoái, trạm bị ngập trên 1m. Tường bong tróc, mái ẩm thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thường xuyên của trạm. Trưởng trạm Hồ Thị Thu Hường chia sẻ: “Lượng thẻ BHYT đăng ký tại trạm lên đến hơn 800; mỗi tháng bình quân chúng tôi khám, điều trị cho 300 ca. Hoạt động nhiều nhưng cơ sở xuống cấp, khiến cán bộ nhân viên lo lắng, nhất là khi mùa mưa đến. Rất may vừa rồi UBND xã đã quyết định đầu tư 170 triệu đồng, chuẩn bị đóng trần, nâng mái, lát gạch nền, ốp gạch tường”.
Trong khi phần lớn các xã nông thôn mới gặp khó ở cơ sở vật chất, thì xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) lại đang cố gắng giải bài toán nâng tỉ lệ người dân tham gia BHYT. Theo Trưởng phòng khám khu vực Hoài Hương Lê Thanh Quang, hiện tại, tỉ lệ này ở Hoài Hương mới đạt 61%, mục tiêu đến cuối năm nay phải đạt 70% trở lên. Các ngành ở địa phương đang nỗ lực vận động mở rộng đối tượng BHYT tự nguyện.
“Xã có hơn 18.000 dân, phần lớn đối tượng tự nguyện chưa mặn mà với BHYT. Trong khi đó, lực lượng vận động lại mỏng, chủ yếu là y tế thôn. Chúng tôi đã đề xuất cần triển khai những “chiến dịch” vận động rầm rộ hơn để thu hút sự chú ý của người dân. Bên cạnh đó, việc bán BHYT không chỉ dừng lại ở 1 điểm tại UBND xã, mà cho phép y tế thôn bán tại nhà người dân, phải mang BHYT đến tận tay họ, chứ không để họ đi tìm”, bác sĩ Quang khẳng định.
Sở Y tế đặt ra kế hoạch đến hết năm 2014, có trên 45% số xã trong toàn tỉnh đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Để đạt kế hoạch này, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế, rất cần các cấp, các ngành và chính mỗi người dân cùng chung tay, góp sức.
NGUYỄN VĂN TRANG