Heo đất nghĩa tình
Từ thói quen dành dụm tiền trong con heo đất nhỏ ở nhà, “góp gió thành bão” để giúp những người hàng xóm khó khăn, chị Bùi Thị Kim Hoàng (ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) đã thu hút thêm nhiều người dân trong khu phố cùng tham gia.
Việc nuôi heo đất, giúp người khó của chị Hoàng bắt đầu từ tháng 4.2012. Với hai chú heo đất con con, chị tranh thủ “nuôi heo” bằng những tờ tiền đủ các mệnh giá. Khách đến nhà, ban đầu thì tò mò hỏi thăm, sau lại lấy làm thích thú, ngỏ ý xin góp thêm chút ít.
“Tôi đặt heo đất ở ngay phòng khách để tiện “nuôi” nên ai đến nhà cũng dễ dàng trông thấy. Ngoài được tôi và gia đình “cho ăn”, heo còn lớn lên nhờ tiền thối của các bà, các dì khi đi chợ, có khi là chị em gần nhà, rủ nhau cùng đóng góp vì muốn làm điều có ích. Có chị còn nhắc tôi mang theo heo đất khi đi họp để mọi người cùng nuôi”, chị Hoàng kể.
Nhận được sự quan tâm của mọi người, heo đất dần lớn, đủ để góp phần giúp người khó khăn. Chị Hoàng nhớ mãi lần đầu khui heo, đó là lúc “vừa hồi hộp, không biết đã dành dụm được bao nhiều, vừa phấn khích bởi có thể đem số tiền ấy giúp bà con ngay”. Đợt ấy, 4 hộ có hoàn cảnh khó khăn được chị tặng quà trị giá 2,5 triệu đồng, cùng với đó là những lời hỏi thăm chân thành, dặn dò kỹ lưỡng phải giữ sức khỏe, cố gắng vượt khó, vươn lên.
Chị Hoàng (thứ 2, từ phải sang) cùng người dân khu phố An Phú bỏ tiền vào heo đất, giúp người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC
Chứng kiến câu chuyện “chị Hoàng nuôi heo đất tình thương” bền bỉ theo thời gian, tổ “Nuôi heo đất tình thương” của tập thể khu phố An Phú được hình thành với hơn 30 thành viên tham gia. Nhà chị Hoàng trở thành “trụ sở” của tổ. Chị cũng xung phong nhận nhiệm vụ tìm hiểu các hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh nặng để các thành viên quyên góp, giúp đỡ. Mỗi tháng, các thành viên sẽ tự nguyện đóng góp tùy theo điều kiện cá nhân. 2 tháng/lần, tổ sẽ khui heo, trung bình thu được khoảng 3 triệu đồng.
Hiện, tổ đang trợ cấp cố định cho 3 cụ già neo đơn. Ngoài ra, chị Hoàng cùng các thành viên trong tổ còn ưu tiên hỗ trợ các trường hợp là phụ nữ nghèo. Chị Nguyễn Thị Thạch (cùng ở khu phố An Phú) là một trường hợp như vậy. Chồng bị tai biến, không thể đi lại nên chị Thạch trở thành trụ cột gia đình, nuôi con gái nhỏ. Đầu năm nay, chị không may gặp TNGT, không đủ chi phí chạy chữa. Ngay khi đó, chị Hoàng đã họp tổ và nhanh chóng kêu gọi các thành viên cùng đóng góp, hỗ trợ. Hơn 24 triệu đồng đã được huy động trong thời gian ngắn, giúp chị Thạch điều trị kịp thời, qua cơn hiểm nghèo.
“Nhớ lại khoảng thời gian đó, mẹ con tôi thật sự cảm ơn chị Hoàng và các chị em trong tổ “heo đất tình thương” đã trao số tiền lớn, giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn. Phải đến khi ấy, tôi mới hiểu giá trị của tình làng nghĩa xóm, của những con heo đất giản dị mà ý nghĩa vô cùng”, chị Thạch xúc động nói.
Trước những việc ý nghĩa ấy, không chỉ trong khu phố mà người ở nơi khác cũng đến đóng góp. Cẩn thận bỏ tờ tiền được vuốt thẳng các góc vào heo đất, chị Nguyễn Thị Minh Tâm (ở khu phố An Ninh, thị trấn Ngô Mây) tâm sự: “Cách đây hơn 1 năm, tôi bắt đầu góp tiền nuôi heo đất với chị Hoàng. Vì đi lại khó khăn nên tranh thủ mỗi khi con cháu rảnh rỗi, tôi lại nhờ chở đến nhà chị Hoàng để được góp sức giúp người. Để dành được bao nhiều, tôi bỏ heo bấy nhiêu”.
Suốt chặng đường nuôi heo đất giúp người, chị Hoàng đã nhân lên tình thương đến người khổ hơn mình. Trên hết, với chị, điều quý giá nhất nhận lại là nụ cười hạnh phúc của mọi người. “Hơn 10 năm trôi qua, nhiều lứa heo đất được nuôi lớn, kèm theo đó là những hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ. Bởi vậy, tôi hy vọng rằng, trong tương lai, sẽ có thêm nhiều người biết đến và chung tay nuôi heo cùng chúng tôi. Có như vậy, số người được hỗ trợ sẽ càng nhiều, tình thương sẽ tiếp tục được lan tỏa”, chị Hoàng tâm sự.
DIỆU NGỌC