Chi hội nghệ sĩ múa Bình Định: Nhiều thành tựu và cống hiến
Thành lập năm 2013 với số lượng ban đầu 8 hội viên, đến nay Chi hội Nghệ sĩ Múa Bình Định đã có 13 người. Trong đó, có 6 nghệ sĩ đang là hội viên Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam. Họ là những biên đạo múa, huấn luyện viên, diễn viên múa nòng cốt góp phần làm nên thành công của nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật tại địa phương.
Là một trong những biên đạo múa được đào tạo bài bản, biên đạo múa Châu My, hiện công tác tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh luôn dốc lòng tìm tòi để tiết mục chị dàn dựng đậm đà nét văn hóa Bình Định, ở đó ngôn ngữ hình thể kể lại những câu chuyện về đất, về người, về tình yêu giàu xúc cảm. Chị tâm sự: “Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng ngày càng cao. Những sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật lớn đều có sự kết hợp giữa âm nhạc và vũ đạo. Sự hiện diện của ngôn ngữ múa góp phần tạo nên sự phong phú cho nhu cầu thưởng thức của người xem!”.
Với biên đạo múa Kim Tiển, hiện công tác tại Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định, thế giới của những động tác vũ đạo không đơn thuần là công việc thông thường mà đó còn là nơi gửi gắm những suy tư, sáng tạo khi cảm xúc thăng hoa. Nhiều năm nay, ngoài chịu trách nhiệm biên đạo cho nhiều vở diễn của Nhà hát, chị còn tham gia biên đạo và trực tiếp biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật. Gần đây, những sự kiện như Cuộc thi tỏa sáng vẻ đẹp Phụ nữ Bình Định 2022; Chương trình văn hóa, nghệ thuật đường phố, thể thao và trải nghiệm, biểu diễn khoa học… đều có sự góp mặt trực tiếp của chị với vai trò biên đạo múa kiêm diễn viên.
Tiết mục múa Khát vọng biểu diễn tại Cuộc thi tỏa sáng vẻ đẹp Phụ nữ Bình Định 2022 do biên đạo múa Kim Tiển và Xuân Quang dàn dựng, biểu diễn. Ảnh: NVCC
Tỉnh Bình Định hiện nay không còn đoàn ca nhạc nhẹ nên đất diễn của nghệ thuật múa khá hẹp. Dù vậy sân khấu sẽ bớt lung linh khi thiếu vắng nghệ thuật múa. Với lòng nhiệt tình đóng góp cho phong trào văn nghệ địa phương, các nghệ sĩ múa, biên đạo múa luôn chủ động đến với các hoạt động, chính điều này khiến ranh giới giữa chuyên nghiệp và phong trào trong biểu diễn gần như không còn nữa.
Biên đạo Châu My bộc bạch: Khi đời sống tinh thần ngày một cao, thì tính thẩm mỹ cũng đòi hỏi phải chất lượng, các chương trình biểu diễn luôn đa màu sắc, ấn tượng mới lạ. Mỗi điểm diễn dù ở không gian nào thì chúng tôi vẫn luôn trau chuốt trên từng động tác sao cho hoàn hảo đến mức có thể và hạnh phúc khi sáng tạo nên những tiết mục đẹp cho dù đó chỉ là một đêm văn nghệ nhỏ biểu diễn ở cơ sở.
Hướng đến xây dựng mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động chi hội, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn học nghệ thuật ở địa phương và toàn ngành, từ ngày 11 - 13.10.2022, tại TP Quy Nhơn, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã tổ chức Hội nghị - Tọa đàm “Phát triển nghệ thuật Múa từ công tác xây dựng mô hình Chi hội khu vực miền Trung”. Đây là lần đầu tiên, một hội nghị lớn, chuyên về nghệ thuật múa, sát sườn với địa phương được tổ chức tại Quy Nhơn. Hội nghị đã đón toàn bộ các chi hội trưởng chi hội nghệ sĩ múa các tỉnh trong khu vực.
Tại hội nghị, NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam ghi nhận những thành quả có được từ Chi hội nghệ sĩ Múa Bình Định và các Chi hội các tỉnh trong khu vực. Ông chia sẻ: Trong thời kỳ mới, nghệ thuật múa cần phải có sự phát triển đồng bộ trên tất cả các hoạt động để định hướng, nâng tầm thị hiếu cho quần chúng, có tác động tích cực đến đời sống tinh thần của nhân dân. Cần phát huy hơn nữa việc tập hợp đoàn kết hai lực lượng hội viên chuyên nghiệp và phong trào nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật. Sự đoàn kết và cộng hưởng sáng tạo giữa các nghệ sĩ - mà Bình Định đã cung cấp nhiều thực tế sinh động - sẽ giúp vị trí của nghệ thuật múa vững vàng hơn, lan tỏa rộng khắp trong công chúng, phát huy vai trò tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa nghệ thuật ở địa phương và cả khu vực nói chung.
Sau thời gian dài gián đoạn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động nghệ thuật đang sôi động trở lại. Hội viên Chi hội Nghệ sĩ Múa Bình Định đã tích cực tham gia nhiều phong trào, sự kiện ở địa phương do tỉnh và thành phố tổ chức, như: Đại hội TDTT tỉnh; Kỷ niệm 190 năm danh xưng Phù Cát; Ngày hội VH-TT miền núi tại huyện Vĩnh Thạnh; Ngày hội VH-TT miền biển tại TP Quy Nhơn; phối hợp với Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, các lực lượng, các nhóm diễn tổ chức chương trình hoạt náo nghệ thuật đường phố nhằm kích cầu du lịch…
Càng về cuối năm, các hoạt động văn hóa nghệ thuật càng nhiều và cần đến sự phối hợp của các nghệ sĩ múa dàn dựng, biên đạo. Các nghệ sĩ, biên đạo múa đang tất bật luyện tập. Biên đạo Hoàng Việt, Chi hội trưởng Chi hội nghệ sĩ Múa Bình Định cho hay: Những lúc như thế, luôn cần sự phối hợp nhịp nhàng, đồng lòng từ các nghệ sĩ, biên đạo, diễn viên trong Chi hội. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch cho những hoạt động sắp tới, nhằm phát triển hơn nghệ thuật múa tại tỉnh nhà, bằng cách mở những buổi tọa đàm, giao lưu cùng các nghệ sĩ, biên đạo múa chuyên nghiệp, mở lớp tập huấn viết kịch bản múa; tập huấn công tác biên đạo phong trào để bồi dưỡng về lý luận và nghiệp vụ chuyên môn cho hội viên”.
NGÔ PHONG