Nhà văn hóa hay trụ sở thôn?
Vài năm gần đây, trong phong trào xây dựng nông thôn mới không ít địa phương (thôn, làng) đã xây dựng được “ngôi nhà chung” cho người dân có chỗ hội họp, sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, vui chơi dịp lễ, tết. Sự ra đời các “ngôi nhà chung” này đem lại nhiều thuận lợi cho cộng đồng, góp phần thay đổi bộ mặt đời sống văn hóa nông thôn. Tuy nhiên, có những điều mà nhiều người không rõ về mặt quá trình xây dựng cũng như tên gọi của nó.
Có một lần về công tác ở một thôn nọ, chúng tôi được ông thôn trưởng giới thiệu thôn vừa mới xây dựng nhà văn hóa bằng tiền đóng góp của người dân trong thôn. Đây là cách làm đang được khuyến khích hiện nay ở các địa phương, để tạo nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng văn minh, bài bản hơn, mà các nhà chuyên môn thường gọi là “xã hội hóa” trong xây dựng nhà văn hóa thôn. Kinh phí xây dựng một nhà văn hóa thôn có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, có những người dân còn hiến đất xây dựng nhà văn hóa thôn để có nơi sinh hoạt cho mọi người. Tuy nhiên, khi đến nơi tôi thấy ngôi nhà vừa mới xây xong bề thế ấy lại có tên là “trụ sở thôn”. Điều này hơi lạ, vì thôn (khu phố) không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã (phường, thị trấn).
Tuy nhiên, vấn đề không phải “cấp hành chính” hay “không hành chính” mà là ở chỗ cái tên gọi, nên để “trụ sở thôn” hay “nhà văn hóa” thôn thì phù hợp hơn. Nên cần có sự thống nhất tên gọi cho công trình dân đóng góp xây dựng và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa chung này.
TRÚC THANH