Nâng cao năng lực ứng phó, sơ cấp cứu trong bão lũ
Kiện toàn Đội ứng phó thiên tai, thảm họa của tỉnh; đưa vào sử dụng ứng dụng phần mềm tiện ích khảo sát thiệt hại do thiên tai gây ra; trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho ngư dân đánh bắt xa bờ… là những hoạt động nhằm nâng cao năng lực ứng phó, cứu người gặp nạn trong mùa mưa bão năm nay.
So với trước đây, Đội ứng phó thiên tai, thảm họa của tỉnh được kiện toàn vào giữa năm nay và lần đầu tiên có thành viên là đại diện các sở, ban, ngành, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh và cán bộ CTĐ các huyện, thị xã, thành phố; đa số còn trẻ, có kiến thức và kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ.
“Trong 4 ngày (26 - 29.10), Hội CTĐ tỉnh phối hợp với Hội CTĐ Việt Nam tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho Đội. Nhiều thành viên ở góc độ chuyên ngành tham gia ý kiến vào nội dung tập huấn đã giúp mọi người nhận rõ nhiều vấn đề và có hướng khắc phục một số vướng mắc lâu nay”, ông Lê Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hội CTĐ tỉnh, Đội trưởng, cho hay.
Nhiều ngư dân đến lớp tập huấn sơ cấp cứu và tham gia thực hành. Ảnh: N.T
Từ tháng 11.2022 trở đi, các địa phương sẽ không thu thập thông tin và thống kê về thiệt hại do bão lũ trên những bảng biểu bằng giấy, và thay bằng điện thoại di động hoặc máy tính bảng đã cài đặt phần mềm KOBO Toolbox có các công cụ khảo sát trực tuyến. Tỏ ra tâm đắc với phần mềm, ông Nguyễn Thanh Giang, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Tây Sơn, đánh giá cao hiệu quả của phần mềm. Huyện Tây Sơn có thuận lợi là đa số cán bộ CTĐ các xã, thị trấn là phó bí thư đoàn.
“Anh em trẻ, năng động, rành về công nghệ thông tin. Sau khi Hội CTĐ huyện lập mẫu bảng gửi về, anh em ở cơ sở tiến hành điều tra thử, mọi việc đều nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi, không tốn thời gian và tiết kiệm nhiều chi phí so với trước đây”, ông Giang cho biết.
Một trong những đối tượng được quan tâm nhiều trong mùa mưa lũ là đội ngũ ngư dân. Công tác trang bị kiến thức, kỹ năng giúp họ phòng tránh các loại tai nạn thương tích thường gặp trên biển, biết cách tự bảo vệ bản thân và thuyền viên trong những ngày mưa lớn luôn được chú trọng. Thực hiện chỉ đạo của Hội CTĐ Việt Nam, những tuần qua, Hội CTĐ tỉnh đã hoàn thành 5 lớp tập huấn sơ cấp cứu cho ngư dân đánh bắt xa bờ ở 10 xã biển trong tỉnh.
Ngoài số ngư dân trẻ tuổi, các lớp còn thu hút không ít ngư dân dày dạn kinh nghiệm đi biển, tích cực lắng nghe, tham gia thực hành các kỹ năng sơ cứu như băng vết thương, sơ cứu gãy xương, ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo. Một số lão ngư đánh giá, nội dung bài giảng đưa ra tình huống đúng thực tế, giúp họ biết thêm cách sơ cứu người bị nạn hiệu quả. Bởi dân biển ra khơi thường chỉ mua ít liều thuốc cảm, bông băng; gặp trường hợp tai nạn gãy tay, chân thì lấy cờ lê, mỏ lết đặt vào rồi lấy dây quấn lại, giờ khi ra khơi họ biết cần phải mang theo nẹp, thêm băng bông, dầu… Một số chị em là mẹ, vợ ngư dân đến lớp còn quan tâm nhiều đến cách cứu đuối bởi lâu nay dân biển thường dốc ngược người đuối nước lên, vác vai chạy vòng vòng chứ chưa biết cách thổi ngạt, ép tim như bác sĩ của lớp học hướng dẫn.
Sáng 27.10, tại Hội trường Trung tâm Văn hóa xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn), 60 ngư dân cùng người nhà ở xã Hoài Hải, xã Hoài Mỹ, phường Tam Quan Nam và phường Hoài Thanh đã có mặt từ sớm. Ông La Ngọc Ửng, Chủ tịch Hội CTĐ xã Hoài Hải, cho biết: “Bà con ngư dân được nghe giới thiệu về túi sơ cấp cứu, hướng dẫn nhiều điều thiết thực, bổ ích nên rất tâm đắc. Mong rằng bà con tích cực áp dụng những gì được tập huấn và phổ biến đến nhiều người khác, để phát huy thật tốt, góp phần tạo ra cộng đồng đánh bắt an toàn, nhất là trong mùa mưa bão”.
NGỌC TÚ