Tổng thống Mỹ bị cáo buộc thay đổi cam kết về hạt nhân
Tổng thống Mỹ Barack Obama bị cáo buộc không giữ lời hứa về giải trừ quân bị sau khi có thông tin cho biết, chính quyền Mỹ lên kế hoạch chi hàng tỉ USD để nâng cấp số bom hạt nhân ở châu Âu.
Theo kế hoạch này, gần 200 quả bom hạt nhân B61 được cất giữ tại Bỉ, Hà Lan, Đức, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được cải tiến bằng cách lắp thêm bộ phận thăng bằng đuôi mới, để trở thành loại vũ khí dẫn đường có thể được trang bị cho các máy bay ném bom tàng hình F35.
Một số nước châu Âu, dẫn đầu là Đức, từng tìm cách đưa bom B61 của Mỹ ra khỏi châu Âu, với lập luận là loại bom này không còn sử dụng cho mục đích quân sự sau khi chiến tranh lạnh kết thúc và có thể gây ra mối nguy hiểm về an ninh nếu rơi vào tay khủng bố. Tuy nhiên, một số nước đông Âu phản đối điều này vì lo ngại điều đó sẽ làm giảm sút cam kết của Mỹ về bảo vệ các nước này trước sự đe dọa của Nga.
Ông Hans Kristensen, một chuyên gia về vũ khí hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà khoa học hạt nhân của Mỹ, nói: “Đây sẽ là một sự nâng cấp đáng kể năng lực hạt nhân của Mỹ tại châu Âu. Nó hoàn toàn trái với cam kết mà ông Obama đưa ra hồi năm 2010 là ông sẽ không triển khai vũ khí mới,” trong đó có kế hoạch giảm vai trò và số lượng vũ khí hạt nhân của Mỹ, một phần bằng cách ngừng phát triển đầu đạn hạt nhân mới và không hỗ trợ các nhiệm vụ quân sự mới
Theo số liệu ngân sách mới được công bố, Mỹ sẽ chi khoảng 10 tỉ USD cho chương trình kéo dài tuổi thọ cho loại bom B61 và 1 tỉ USD khác để lắp thêm bộ phận thăng bằng đuôi có thể điều khiển được cho loại bom này. Ông Kristensen cho rằng, bộ phận mới này sẽ giúp bom B61 có những khả năng mới và một số sẽ được triển khai tại châu Âu trong năm 2019 hoặc 2020 theo kế hoạch.
Trong khi đó, quan chức chính quyền Mỹ lại nói rằng, việc lắp thêm bộ phận điều khiển ở đuôi của loại bom này không tạo ra sự thay đổi đáng kể nào và vì vậy không phá vỡ cam kết năm 2010. Quan chức mỹ khẳng định, tổng thống Obama vẫn cam kết giữ kế hoạch giải trừ quân bị mà ông đưa ra trong bài phát biểu tại Prague hồi năm 2009, trong đó ông hứa sẽ làm hết sức mình để hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Kể từ đó, Mỹ đã ký hiệp ước START mới với Nga, nhằm cắt giảm số đạn hạt nhân chiến lược của cả hai nước xuống còn 1.150. Vào mùa xuân này, ông Obama dự kiến có bài phát biểu phác thảo kế hoạch cắt giảm thêm 1.100 đầu đạn hạt nhân nữa. Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ, tổng thống Obama phải hoãn đưa ra bài phát biểu này vì vấn đề Triều Tiên và thời gian để hoàn thiện đội ngũ an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ 2.
Hồi đầu tháng 4, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Tom Donilon, đã đến Moscow để truyền đạt nội dung của ông Obama cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin, trong đó có đề xuất cắt giảm số vũ khí hạt nhân của hai nước và tìm kiếm sự thỏa hiệp về bất đồng xung quanh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu. Hai ông Obama và Putin sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G8 ở Lough Erne (Bắc Ireland) vào tháng 6 tới, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu sau đó hai bên có sẵn sàng cắt giảm thêm số vũ khí hạt nhân hay không.
Lê Quảng (theo Guardian)