Người Mỹ hôm nay bắt đầu bầu cử giữa kỳ
Hàng triệu cử tri Mỹ hôm nay bỏ phiếu để bầu lại Hạ viện và 1/3 Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ, cùng với 36 thống đốc bang.
Hàng loạt điểm bỏ phiếu tại 50 bang ở Mỹ sẽ mở cửa sớm nhất từ 6h ngày 8.11 (18h giờ Hà Nội), để đón cử tri đến bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2022. Ngoại trừ bang Alabama, Connecticut, Mississippi và New Hampshire, cử tri tại 46 bang còn lại được phép đi bầu cử sớm, theo hình thức trực tiếp, qua thư và hòm phiếu lưu động.
Cử tri Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện và 36 thống đốc bang. Đảng Cộng hòa cần thêm ít nhất 6 ghế để chiếm thế đa số tại Hạ viện và thêm một ghế để kiểm soát Thượng viện. Các dự báo và kết quả thăm dò cho thấy đảng Cộng hòa có cơ hội chiến thắng cao ở Hạ viện, còn cuộc đua ở Thượng viện rất khó lường.
Theo giới quan sát, ít nhất 8 ghế Thượng viện được cho là có tính cạnh tranh, nhưng cuộc đua hướng đến kiểm soát cơ quan này khả năng cao được quyết định bằng 5 bang quan trọng, gồm Pennsylvania, Nevada, Georgia, Ohio và Wisconsin.
Giới chức Mỹ dự kiến kiểm phiếu sau khi các điểm bỏ phiếu ở Bờ Đông đóng cửa lúc 19-20h (7-8h ngày 9.11 giờ Hà Nội). Nếu đảng Dân chủ thất bại tại một số khu vực quan trọng như bang Virginia hoặc mất ghế Thượng viện đại diện bang Bắc Carolina, đó sẽ được coi là dấu hiệu sớm cho thấy đảng Cộng hòa chiếm lợi thế.
Khoảng 22-23h (10-11h ngày 9.11 giờ Hà Nội), hơn một giờ sau khi các điểm bỏ phiếu ở vùng Trung Tây đóng cửa, giới chuyên gia tại các kênh truyền thông Mỹ sẽ có đủ dữ liệu để dự đoán đảng nào kiểm soát Hạ viện, theo Kyle Kondik, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Chính trị, Đại học Virginia.
Cử tri điền phiếu bầu cử giữa kỳ qua thư tại Pittsburgh, bang Pennsylvania, ngày 3.11. Ảnh: AFP.
Nếu cuộc đua tại Hạ viện vẫn chưa ngã ngũ khi phiếu bắt đầu được kiểm ở Bờ Tây, giới chuyên gia cho rằng sẽ mất nhiều ngày nữa để biết kết quả cuối cùng. Bang California thường mất nhiều tuần để kiểm phiếu, chủ yếu vì còn phải tiếp nhận phiếu bầu qua thư có ngày gửi không sau 8.11 nhưng đến muộn. Bang Nevada và Washington cũng có quy định tương tự.
"Những phiếu bầu đó sẽ rất quan trọng", theo Kondik.
Với Thượng viện, thời gian biết kết quả cuối cùng sẽ lâu hơn, thậm chí là nhiều tuần, và ba bang Pennsylvania, Arizona, Georgia sẽ là những nơi mang tính quyết định.
Tại Georgia, nếu không ứng viên nào nhận được hơn 50% phiếu bầu để vào Thượng viện, một cuộc bầu cử tiếp theo sẽ được lên kế hoạch diễn ra ngày 6.12. Điều này đồng nghĩa người dân Mỹ có thể phải chờ đến lúc đó để biết đảng nào kiểm soát Thượng viện.
Số ghế tại Thượng viện đang được chia đều cho hai đảng, với 50 thượng nghị sĩ Cộng hòa và 48 thượng nghị sĩ Dân chủ cùng hai thượng nghị sĩ độc lập Angus King và Bernie Sanders ủng hộ đảng này. Đảng Dân chủ được coi là chiếm thế đa số "tối thiểu" tại Thượng viện, do Chủ tịch Thượng viện là Phó tổng thống Kamala Harris, người có quyền bỏ lá phiếu quyết định.
Trong khi đó, đảng Dân chủ đang chiếm thế đa số tại Hạ viện, với 221 ghế, còn đảng Cộng hòa chiếm 212 ghế. Hai ghế còn lại đang trống do hạ nghị sĩ Jackie Walorski, bang Indiana, qua đời tháng 8.2022 và ông Charlie Crist, bang Florida, từ chức trong cùng tháng để tập trung tranh cử thống đốc bang.
Tại Hạ viện, mỗi bang có số nghị sĩ đại diện tương ứng với quy mô dân số bang đó, tối thiểu là một người. Trong khi đó, mỗi bang có hai nghị sĩ đại diện tại Thượng viện.
Kết quả bầu cử giữa kỳ có thể tác động rất lớn đến hai năm còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden cũng như xu hướng chính trị Mỹ.
Nếu đảng Cộng hòa thắng ở Hạ viện hoặc Thượng viện, hoặc giành quyền kiểm soát lưỡng viện, họ sẽ có thể chặn hầu hết chương trình nghị sự của ông Biden, tìm cách biến ông thành một "tổng thống bất lực". Họ cũng có thể mở các cuộc điều tra với con trai Hunter của ông Biden hoặc cản trở các mục tiêu lưỡng đảng khác.
Với thế đa số tại Thượng viện, phe Cộng hòa còn có thể chặn các quyết định bổ nhiệm trong nội các hoặc lĩnh vực tư pháp, như ngăn đề cử của Tổng thống vào ghế trống tại Tòa án Tối cao.
Kết quả bầu cử giữa kỳ cũng có ảnh hưởng nhất định đến tình hình thế giới. Trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đảng Dân chủ và Cộng hòa đang có nhiều điểm tương đồng hơn là khác biệt. Dù vậy, cuộc bầu cử vẫn có thể tác động đến những vấn đề như chính sách khí hậu và chi tiêu, trong đó có hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Nếu đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện quốc hội, họ nhiều khả năng sẽ ngăn cản các nỗ lực hỗ trợ quân sự, tài chính cho Ukraine để tập trung hơn vào các vấn đề trong nước. Động thái này của Mỹ có thể gây hoài nghi với Kiev và các đồng minh châu Âu, cũng như ảnh hưởng tới tinh thần đoàn kết của NATO, giữa lúc chiến sự ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Dù đảng nào nắm quyền kiểm soát quốc hội, quan điểm của Mỹ về Trung Quốc, Iran nhiều khả năng sẽ không có nhiều thay đổi. Tổng thống Biden và đội ngũ cố vấn của ông vẫn sẽ duy trì ảnh hưởng đáng kể đối với chính sách đối ngoại của Mỹ và sẽ tiếp tục con đường hiện nay trong hai năm tới.
(Theo Như Tâm/VnE/Theo USA Today, Reuters)