Phim Việt tham gia LHP Quốc tế Hà Nội: Cơ hội để biết mình đang ở đâu
Hạng mục phim dài dự thi, điện ảnh Việt có bộ phim “Hoa nhài” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, hạng mục phim ngắn có 10 bộ phim tham gia tranh giải. Đây cũng là cơ hội học hỏi, giao lưu với các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới và cũng là dịp để chúng ta nhìn lại điện ảnh Việt đang ở đâu.
Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội đang diễn ra từ nay đến ngày 12.11. Từ hàng trăm bộ phim đăng kí tham dự, Liên hoan phim Quốc tế lần thứ 6 tuyển chọn được hơn 120 bộ phim của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 11 bộ phim điện ảnh và 20 phim ngắn dự thi. Hạng mục phim dài dự thi, điện ảnh Việt có bộ phim “Hoa nhài” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, hạng mục phim ngắn có 10 bộ phim (bao gồm: phim tài liệu, phim hoạt hình và phim truyện ngắn) tham gia tranh giải.
Hình ảnh trong phim "Hoa nhài" của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Ở hạng mục phim truyện dài dự thi, số lượng 11 bộ phim của 11 nền điện ảnh được tuyển chọn là một con số khá khiêm tốn, cũng thể hiện sự chặt chẽ trong khâu chọn lựa của Ban tổ chức. Bộ phim “Hoa nhài” của điện ảnh Việt được sánh bước cùng những tác phẩm tiêu biểu của những nền điện ảnh khác trên thế giới.
Tuy vậy, theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, trước một sự kiện mang tầm quốc tế như liên hoan phim quốc tế Hà Nội, chúng ta cũng không có nhiều phim nghệ thuật như thế. Bởi lẽ, hầu hết những bộ phim sản xuất trong thời gian vừa qua chủ yếu thuộc dòng phim khán giả (phim thương mại): "Tiêu chuẩn để đưa những bộ phim vào tranh giải rất cao bởi chúng ta còn phải cạnh tranh với quốc tế. Và những phim đạt được tiêu chuẩn ấy thì Việt Nam chúng ta không sản xuất nhiều. Và đương nhiên nếu không sản xuất những bộ phim hướng đến tham gia liên hoan phim quốc tế thì chúng tôi không quan tâm đến các liên hoan phim ấy làm gì. Ngay cả quốc tế cũng vậy thôi. Nước ta cũng có ít phim nghệ thuật, ít phim có thể tham gia liên hoan phim. Phần lớn chúng ta sản xuất phim thương mại, có thể tham gia liên hoan phim nhưng chỉ để đưa vào các chương trình giới thiệu thôi".
Liên hoan phim quốc tế có thể xem là một sân chơi nghệ thuật của những người làm nghề. Vì thế, hàng năm có rất nhiều liên hoan phim được tổ chức, trong đó có những sự kiện uy tín hàng đầu thế giới như: Liên hoan phim quốc tế Berlin (Đức), Liên hoan phim Cannes (Pháp), Liên hoan phim quốc tế Venice (Italia), Liên hoan phim quốc tế Tokyo (Nhật Bản)…
Nói về vị trí của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẳng định: Đây là sự kiện điện ảnh mang tầm khu vực trong phạm vi các nước ASEAN và việc lựa chọn phim tham gia dự thi cũng phải căn cứ vào các tiêu chí về nội dung cũng như chất lượng nghệ thuật: "Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội thì chúng ta chỉ chọn 11 phim từ 50 nước. Như vậy số lượng phim Việt Nam tham gia ở hạng mục phim dài cũng rất hạn chế, chứ không phải là phim duy nhất, có giá trị nhất được chọn. Chúng tôi cố gắng tìm được những phim vừa đạt được giá trị nghệ thuật, vừa quảng bá đất nước con người Việt Nam. Đấy là những gì chúng tôi mong muốn ở liên hoan phim lần này và bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh đáp ứng được đòi hỏi như vậy".
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông phát biểu tại họp báo khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội.
Một nền điện ảnh phát triển không chỉ sản xuất phim và thu hồi vốn mà còn phải “làm đẹp” hình ảnh một quốc gia, dân tộc. Tham gia liên hoan phim quốc tế, chúng ta sẽ có cơ hội để biết mình đang ở đâu, như ý kiến của đạo diễn Phan Đăng Di: "Bởi vì điện ảnh vẫn là môn nghệ thuật dễ dàng phổ biến nhất trên toàn thế giới, phương tiện cũng như cách thức của nó dễ dàng đón nhận. Nếu bộ phim có cơ hội đi ra ngoài thì mới có cơ hội xem phim Việt Nam, hiểu được cái gì đang diễn ra ở Việt Nam. Trước đó khi ở trong nước, tôi đọc báo và cứ nghĩ rằng điện ảnh Việt Nam cũng tương đối là một nền điện ảnh được biết đến và chắc ra ngoài người ta cũng biết đến mình. Nhưng hoàn toàn không! Hầu như chúng ta là số 0 với thế giới".
Góc nhìn của đạo diễn Phan Đăng Di có thể hơi cực đoan khi cho rằng: với điện ảnh, chúng ta là số 0 so với thế giới. Nhưng có một thực tế rõ ràng rằng nền điện ảnh của chúng ta đang tụt hậu so với một số nền điện ảnh trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Singapore… chưa nói đến các cấp độ so sánh khác. Từ những trải nghiệm trong liên hoan phim, phải chăng cần nhìn nhận rõ ràng hơn về hướng phát triển của điện ảnh nước nhà, từ đó đầu tư thích đáng cho dòng phim nghệ thuật- gương mặt của một nền điện ảnh. Chúng ta cũng có quyền kì vọng nhiều hơn nữa ở phim Việt, vào lực lượng các nhà làm phim trẻ hiện nay.
Theo Phương Thúy (VOV6)