Đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật
Từ năm 2013, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được tổ chức vào ngày 9.11 hằng năm, nhằm nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội; nâng cao ý thức chấp hành, bảo vệ pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân.
Theo ông Phạm Dân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (sau đây gọi là Ngày Pháp luật) được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người dân trong xã hội. Đồng thời, tăng cường nhận thức, ý thức của người dân về pháp luật, vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước cũng như trong đời sống thường ngày.
Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật là dịp để các cơ quan nhà nước tổ chức cao điểm các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cộng đồng với những cách thức khác nhau. Là cơ hội nhìn nhận, đánh giá lại những kết quả đạt được; cũng như những hạn chế trong chuỗi hoạt động xây dựng, phổ biến và thực thi pháp luật. Từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ngày Pháp luật được xem là điểm mốc, là sợi chỉ kết nối, xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội. Nhắc nhở, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật; để không chỉ là một ngày, mà 365 ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật.
● Tỉnh Bình Định có những chương trình, hoạt động gì hưởng ứng Ngày Pháp luật năm nay, thưa ông?
- Năm 2022 là điểm nhấn của cả giai đoạn 10 năm tổ chức Ngày Pháp luật theo Luật PBGDPL, nên các hoạt động hưởng ứng rất đa dạng, phong phú. Đơn cử, UBND tỉnh tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trực tuyến cho thanh niên năm 2022”. Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức trực tuyến trên môi trường mạng; thu hút hơn 3.650 thí sinh của 121 đơn vị tham gia.
Sở Tư pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh Trường THPT Hùng Vương, TP Quy Nhơn. Ảnh: V.L
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ này tại 11 huyện, thị xã, thành phố và 159 xã, phường, thị trấn. Qua đó, kịp thời triển khai các quy định mới trong xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của người dân.
Sở Tư Pháp còn tổ chức chuỗi hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho 1.000 học sinh tại 5 trường THPT trên địa bàn TP Quy Nhơn với 2 nội dung chính là tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức “Rung chuông vàng”.
Sở Tư pháp tư vấn pháp luật cho người dân TX Hoài Nhơn tại Ngày hội “Công dân với pháp luật”. Ảnh: V.L
Sở còn tổ chức 3 Ngày hội “Công dân với pháp luật” tại huyện An Lão, Hoài Ân và TX Hoài Nhơn với 2 hoạt động chính là tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tư vấn pháp luật trực tiếp. Tổ chức 3 hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho gần 600 hòa giải viên tại huyện Vân Canh, Phù Cát, TX An Nhơn…
● Xin ông cho biết, để Ngày Pháp luật đi vào thực chất, giúp nhân dân nâng cao ý thức tôn trọng Hiến pháp, pháp luật, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chú trọng những yêu cầu trọng tâm nào?
- Để Ngày Pháp luật đi vào thực chất, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần triển khai thường xuyên, liên tục và đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho các tầng lớp nhân dân; hướng đến mục tiêu cả 365 ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật.
Bên cạnh đó, gắn kết chặt chẽ PBGDPL với công tác xây dựng và thi hành pháp luật nhằm phát huy giá trị tích cực, hiệu quả của chuỗi hoạt động này. Quán triệt và tổ chức thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” theo Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới và đa dạng về nội dung, hình thức PBGDPL; đảm bảo phù hợp với trình độ nhận thức, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng đối tượng ở từng địa bàn nhất định. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.
Luật PBGDPL được kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20.6.2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013. Tại Điều 8 của Luật có quy định: “Ngày 9.11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Thực hiện quy định này, từ năm 2013 đến nay, Ngày Pháp luật được tổ chức triển khai đồng bộ, rộng khắp trong cả nước.
Chọn ngày 9.11 hằng năm làm Ngày Pháp luật là bởi đây là ngày Quốc hội khóa I thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 9.11.1946), nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
● Xin cảm ơn ông!
VĂN LỰC (Thực hiện)