Lừa đảo từ bán hàng khuyến mãi “nở rộ” ở nông thôn
Thời gian qua, tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh xuất hiện các nhóm đối tượng bán hàng lưu động có dấu hiệu lừa đảo. Nhiều người dân vì nhẹ dạ cả tin nên rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Còn chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý kịp thời.
“Sập bẫy” tặng quà, trả lại tiền
Đầu tháng 11.2022, trên địa bàn xã Ân Tường Đông, Ân Phong, Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) xuất hiện nhóm bán hàng lưu động bán các sản phẩm gia dụng. Nhóm này thường đến các chợ gửi giấy mời người dân (chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi) tham dự chương trình “Quà tặng người nội trợ”, ai đến đúng giờ ghi trong giấy mời được tặng chai dầu ăn 4 lít.
Tại địa điểm tổ chức, các đối tượng chuẩn bị bánh kẹo, nước uống và dàn nhạc để người đến dự ăn uống, ca hát. Người dân khi mua hàng được tặng các sản phẩm như dầu ăn, bọt ngọt, nước rửa chén.
Vào đầu buổi sáng, nhóm đối tượng giới thiệu các mặt hàng có giá trị thấp như đèn pin, xoong, dầu xoa bóp... Sau khi người dân đưa tiền, họ giao sản phẩm nhưng trả lại tiền với lý do đây là hàng tặng. Điều này làm người dân phấn khởi, tiếp tục đăng ký mua các sản phẩm có giá trị cao hơn như nồi cơm điện, chảo chống dính, nồi lẩu, nồi áp suất…
Lần này các đối tượng nhận tiền, giao sản phẩm và hẹn đầu giờ chiều cùng ngày sẽ trả lại. Thế nhưng, đến giờ hẹn thì chúng đã “cao chạy xa bay”; còn người dân “dài cổ” chờ đợi.
Đáng nói, sau khi mua hàng, nhiều người kiểm tra giá qua mạng internet và tham khảo từ một số cửa hàng thì phát hiện giá các sản phẩm được nhóm này bán cao hơn nhiều so với giá thị trường; thậm chí có mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Giấy mời tham dự chương trình “Quà tặng người nội trợ” và người dân tham dự chương trình ở Hoài Ân. Ảnh: Người dân cung cấp
Cần cảnh giác
Theo Chủ tịch UBND xã Ân Phong Hồ Văn Đương, nhóm đối tượng từ nơi khác tới địa bàn xã tự dựng rạp bày bán hàng, không liên hệ với chính quyền địa phương. UBND xã nghĩ đây là hoạt động bán hàng bình thường nên không kiểm tra. Khi nghe người dân phản ảnh có dấu hiệu lừa đảo, xã cử cán bộ tới địa điểm tổ chức bán hàng, nhưng các đối tượng đã rời đi.
Còn Chủ tịch UBND xã Ân Tường Đông Trương Văn Khẩn cho rằng: “Những người này bán hàng có thêm chương trình tặng quà, khuyến mãi; còn người dân có nhu cầu thì đăng ký mua. Do đó, UBND xã không thể ngăn cấm. UBND xã đã thông báo trên đài truyền thanh các phương thức, thủ đoạn của những đối tượng bán hàng lừa đảo để cảnh báo”.
Với cách lý giải này có thể thấy chính quyền các địa phương chưa thật sâu sát, chặt chẽ trong kiểm tra, quản lý việc bán hàng của các đối tượng; dù hoạt động này diễn ra rầm rộ, được phát hành giấy mời rộng rãi. Chỉ khi người dân “sập bẫy”, chính quyền địa phương mới vào cuộc, nhưng chưa quyết liệt.
Đáng nói, hình thức bán hàng lừa đảo kiểu kèm quà tặng, trả lại tiền đã diễn ra khá nhiều và không ít người dân bị mắc lừa. Đơn cử, đầu tháng 8.2022, với chiêu thức này, một số đối tượng lạ mặt lừa bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc với giá cao hơn nhiều lần so với giá thị trường cho hàng chục người dân ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh). Tại xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ), đầu tháng 10.2022, hàng trăm người cũng “dính bẫy” mua hàng xong được trả lại tiền và kèm quà tặng.
Có thể thấy, dù chiêu trò không mới, nhưng các nhóm đối tượng bán hàng lưu động vẫn dễ dàng phỉnh dụ nhiều người dân. Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tỉnh táo trước các chiêu trò bán hàng khuyến mãi, mua hàng xong được trả lại tiền. Chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan cần tăng cường tuyên truyền, giúp người dân nhận diện thủ đoạn bán hàng lừa đảo. Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm hành vi bán hàng không đúng quy định, góp phần ổn định đời sống xã hội ở vùng nông thôn.
MINH NHÂN