Nhà văn Lê Lựu - Cánh chim báo bão
Nhà văn Lê Lựu - tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Thời xa vắng, một trong số nhà văn nổi bật của Việt Nam thế kỷ 20 - vừa qua đời chiều 9.11 tại quê nhà Hưng Yên, hưởng thọ 81 tuổi.
Theo ông Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Lê Lựu là một nhà văn đặc biệt của văn học Việt Nam sau 1975. Dù đến cuối đời, Lê Lựu vẫn là một người nông dân, nhưng ông lại có kiến văn rộng, hiểu đời sống sâu sắc.
Nhà văn Lê Lựu (1942 - 2022) - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Lê Lựu không chỉ mang đến sự đột phá cho văn chương Việt Nam sau 1975 với tiểu thuyết Thời xa vắng và một số tác phẩm sau Đổi mới khác, mà còn mang đến sự đột phá cho văn học Việt Nam khi đưa nó ra khỏi biên giới, kêu gọi hòa bình, hàn gắn.
Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh (1988). Ông Thiều nói nếu không phải sự chân thành, nồng nhiệt, sâu sắc trong cách nhìn cuộc đời của Lê Lựu khiến ông - lúc đó đại diện cho văn chương Việt Nam - chiếm được cảm tình của đông đảo giáo sư, sinh viên, cựu binh Mỹ thì sau đó khó mà đạt được mối giao hảo mạnh mẽ giữa người Mỹ và các nhà văn Việt Nam như đã diễn ra. Sau Lê Lựu, rất nhiều nhà văn Việt Nam được mời sang Mỹ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho rằng mặc dù rất nổi danh với Thời xa vắng và một số tác phẩm sau này, nhưng trước đó Lê Lựu đã sớm nổi tiếng với những tác phẩm lớn về đề tài chiến tranh như tiểu thuyết Mở rừng (1976), tiểu thuyết Ranh giới (1977).
Với Thời xa vắng, Lê Lựu đã bày đời mình lên trang giấy một cách sâu sắc nhất. Ông đã tạo ra được nhân vật văn học Giang Minh Sài là biểu trưng cho một mẫu người của một thời không được sống là mình mà sống theo người khác, rồi khi được sống là mình thì lại sống bằng cái mình không có.
"Nhà văn phải tạo được nhân vật. Như Vũ Trọng Phụng có Xuân Tóc Đỏ, Nam Cao có Chí Phèo, Lão Hạc, Thị Nở... Lê Lựu thì có Giang Minh Sài trở thành tuýp người của thời xa vắng.
Với nhân vật Giang Minh Sài ấy và những mối quan hệ xung quanh, Lê Lựu đã dựng lên một bảo tàng về đời sống xã hội của một thời chúng ta đã sống - thời xa vắng" - ông Khoa nói.
Ông Trần Đăng Khoa cũng ghi nhận vai trò đặc biệt của Lê Lựu với lựa chọn là một nhà văn của nông dân. Sau Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên thì Lê Lựu là một nhà văn viết về nông dân rất xuất sắc.
Đặc biệt, khác với tất thảy tiền bối viết về nông dân từ cái nhìn của người đứng ngoài quan sát, Lê Lựu viết về nông dân từ cái nhìn của người trong cuộc, ông viết về chính mình, bản thân ông là nông dân. Chính vì vậy mà các nhân vật của ông sâu sắc, máu thịt.
Lê Lựu, cùng với Nguyễn Trọng Oánh (tác giả tiểu thuyết Đất trắng) chính là cánh chim báo bão, báo trước công cuộc đổi mới của văn học Việt Nam, để sau đó Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khắc Trường... xuất hiện.
(Theo THIÊN ĐIỂU/TTO)