Tây Sơn phát triển các vùng chuyên canh rau, cây ăn quả gắn với du lịch cộng đồng:
Tạo động lực, giúp dân sớm hưởng lợi
Huyện Tây Sơn đang tìm cách phát triển các vùng chuyên canh rau, cây ăn quả, qua đó phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng. Tạo hướng đi bền vững và sớm đưa ngành nông nghiệp, du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Giúp dân sớm hưởng lợi
Tận dụng vị trí thuận lợi trong hệ thống giao thông, tài nguyên du lịch tự nhiên, lịch sử và văn hóa phong phú, đa dạng (lễ hội, võ cổ truyền, các di tích liên quan đến triều Tây Sơn), huyện Tây Sơn đã triển khai thực hiện Đề án phát triển các vùng trồng cây ăn quả, vùng chuyên canh rau gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Gần đây, lãnh đạo huyện tổ chức nhiều chuyến đi thực tế các vùng chuyên canh, nắm bắt nguyện vọng của người dân, khảo sát mức độ đi vào đời sống các chủ trương, chính sách của huyện.
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (bìa trái) kiểm tra, khảo sát vườn rau ngò gai tại xã Tây An. Ảnh: V.PHONG
Tại chuyến thăm làng rau Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong và vùng chuyên canh cây ăn trái ở xã Bình Thuận mới đây, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng gửi gắm: Để phát triển kinh tế nông nghiệp, việc gắn với kinh doanh du lịch trải nghiệm là một hướng đi khả thi. So với nhiều địa phương khác, huyện Tây Sơn đã thu hút được khá nhiều du khách. Việc tạo thêm nội dung, sản phẩm giúp du khách lưu lại địa phương lâu hơn sẽ góp phần đưa cả du lịch và nông nghiệp thành ngành kinh tế chủ lực của huyện. Chính vì thế, các ngành - đặc biệt là ngành nông nghiệp - phải tăng cường tuyên truyền nhiều hơn nữa về canh tác thân thiện với môi trường, bền vững, hữu cơ và theo hướng hữu cơ; làm sao để tạo ra nhiều loại nông sản sạch, mà trước mắt là những ruộng rau đẹp, những vườn cây ăn trái hấp dẫn. Như vậy, cùng với nguồn lợi trực tiếp từ bán nông sản, người dân sẽ có thêm nguồn lợi từ du lịch. Tạo ra động lực và giúp dân sớm được hưởng lợi cụ thể, rõ ràng, họ sẽ ủng hộ chính sách. Trước mắt, cùng với các dự án của tỉnh, huyện sẽ chủ động phân bổ ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật để có thêm điều kiện phục vụ du lịch.
Đến thăm làng rau VietGAP Thuận Nghĩa, ở khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, ấn tượng đập vào mắt chúng tôi là những vườn rau xanh nối nhau trải dài. Khối Thuận Nghĩa có 470 hộ dân thì đã có 224 hộ tham gia chuyên canh rau với tổng diện tích 36 ha, trong đó có 19,5 ha đã được công nhận hợp chuẩn VietGAP với thương hiệu Lá Lành từ năm 2013. Từ Bảo tàng Quang Trung sang Thuận Nghĩa chỉ mất một quãng đường ngắn, vì thế nhiều du khách sau khi tham quan Bảo tàng đã tản bộ sang Thuận Nghĩa. Nhờ thuận lợi như thế nên Thuận Nghĩa đã có mặt trong một số tour du lịch.
Chị Đỗ Thị Hồng Nhung (bìa phải) tại vườn cây ăn trái ở thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân đang được làm thủ tục để cấp chứng nhận đạt chuẩn OCOP. Ảnh: M. MIÊN
Không được thuận lợi như thế nhưng vườn ổi ruby Đài Loan xen canh mãng cầu rộng trên 2 ha của bà Lê Thị Mỹ Hạnh hứa hẹn sớm trở thành một điểm đến hấp dẫn ở xã Bình Thuận. Để cải tạo đất và quả ổi có chất lượng tốt, bà Hạnh sử dụng phân bón hữu cơ đạm cá, chế phẩm EM và Trichoderma. Đi trong vườn ổi sai trĩu cành, lúc lỉu trái, hương ổi thơm dịu dàng là một trải nghiệm thú vị. Trong chuyến đi thăm các vườn chuyên canh cây ăn trái ở xã Bình Thuận, Chủ tịch Phan Chí Hùng gợi ý, ổi, cam, quýt đường, bưởi là những loại cây ăn trái phù hợp với chân đất địa phương, hơn nữa có thể dễ dàng đầu tư thêm để thu hút du khách. Để tạo đà, huyện sẽ hỗ trợ về giao thông, truyền thông, quảng bá nhưng chính những người dân cũng phải chủ động tiếp cận cơ hội của mình, nhà nước không thể làm thay.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, nhân rộng
Nhìn chung, các chủ vườn, nông trại ở huyện Tây Sơn đều rất quan tâm chủ trương, chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với kinh doanh du lịch trải nghiệm. Cùng với đó, bà con chủ động đầu tư các loại cây giống, con giống mới, mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch. Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch còn tạo ra môi trường sống thân thiện, khiến hệ sinh thái thêm bền vững. Ở khía cạnh khác, khi cùng phát triển như thế, Tây Sơn còn có thêm cơ hội để bảo tồn các kiểu canh tác truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, mở rộng đầu ra cho tiêu thụ nông sản…
Có thể thấy, tuy mới chỉ ở bước khởi động nhưng mô hình nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy sản xuất. Bên cạnh đó, huyện sẽ hỗ trợ xây dựng, chuyển giao và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất rau, hoa, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị gia tăng, trong đó có du lịch. Đặc biệt sẽ tính toán việc phát triển các mô hình sản xuất làm ra các sản phẩm theo đơn đặt hàng từ thị trường, DN tiêu thụ. Cùng với đó, huyện sẽ xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ người sản xuất, nhất là xây dựng nhãn hiệu, từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tiến tới hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
VĂN PHONG